ĐƠN HÀNG SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
“Thưa Thầy nhân lành! Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mc 10,17)
Tin mừng: Mc 10, 17-27
17 Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường,
thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải
làm gì để được sống đời đời?” 18 Chúa Giêsu trả lời: “Sao ngươi gọi
Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa.
19 Ngươi đã biết các giới răn: đừng
ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường
gạt; hãy thảo kính cha mẹ”. 20 Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những
điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.
21 Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn
người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi
hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một
kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”.
22 Nhưng người ấy nghe những lời đó,
thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
23 Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh
và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết
bao!” 24 Các môn đệ kinh ngạc vì những lời
đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ
cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! 25 Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ
hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”.
26 Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau
rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” 27 Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông,
và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên
Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.
Khung cảnh: Người thanh niên giàu có đến với Chúa
Giêsu để hỏi về việc làm thế nào để có được sự sống đời đời. Sau đó là cuộc đối
thoại giữa Chúa Giêsu và anh thanh niên.
Ơn xin: Xin Chúa Giêsu cho con có cảm nhận sâu
xa về tình yêu mà Ngài dành cho con, Đấng vốn giàu sang phú quý nhưng đã trở
nên nghèo khó, để lấy cái nghèo đó làm cho con nên giàu có. Xin cho con dám can
đảm “chốt đơn hàng sự sống đời đời” là bước theo Chúa Giêsu khó nghèo và khiêm
hạ, hầu mai sau được cùng Ngài hưởng hạnh phúc muôn đời.
Vài gợi ý suy niệm và cầu nguyện:
1. Nhu Cầu Tìm Kiếm “Đơn Hàng Sự Sống Đời Đời”
-
Bối cảnh bản văn Tin Mừng trên cho thấy người thanh niên giàu
sang có một nhu cầu tâm linh rất lớn. Bằng chứng là anh ta đã tìm kiếm sự sống
đời đời qua việc đến trò chuyện với Chúa Giêsu, điều mà không nhiều người nghĩ
đến thậm chí là các môn đệ. Trong các nhu cầu cơ bản của con người, nhu cầu tâm
linh và thiêng liêng có thể được cho là cao nhất. Bởi lẽ, khi được an toàn bởi
sức khỏe, nhu cầu vật chất, tương quan, vị thế… con người dần tìm đến những nhu
cầu tâm linh, siêu nhiên hơn.
-
Dĩ nhiên, người thanh niên giàu sang này, trước đó đã có niềm
tin sâu xa về một sự sống hạnh phúc đời đời, cho nên anh đã tuân giữ Mười Điều
Răn từ thuở nhỏ (Mc 10, 19-20), thế nhưng tại sao lòng anh vẫn khắc khoải và
bất an? Bởi lẽ giữ luật Thiên Chúa vẫn chưa đủ, còn điều gì khác khiến anh ta
bận lòng. Đối diện với một người trẻ giữ các giới răn từ nhỏ, Chúa Giêsu đem
lòng quý mến và nói với anh: “Anh chỉ thiếu một điều, là hãy đi bán tất cả gia
tài, đem bố thí cho người nghèo khó và anh sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến
theo Ta” c.21. Thế nhưng khi nghe những lời đó, anh thanh niên với nét mặt buồn
rầu và quay lưng bỏ đi, bởi vì anh ta có nhiều của cải.
-
Nếu nhìn kỹ và nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy kho tàng sự sống đời đời
không hệ tại ở của cải vật chất và thời gian. Bởi chúng chỉ là tùy phụ, tạm bợ,
tạm thời và chóng qua. Cái chính yếu là sự sống đời đời, hạnh phúc vĩnh cửu, và
sâu xa hơn mọi thứ vật chất tạm thời kia đó là việc được ở với Thiên Chúa đến
muôn đời. Đây chính là chiều kích sâu thẳm của đời sống đức tin, bởi lẽ nếu
không đủ đức tin có lẽ người ta sẽ không dám dấn thân vào một chọn lựa mạo hiểm
và đầy rủi rõ. Thực tế, người thanh niên đã từ chối lời đề nghị của Chúa Giêsu,
“anh ta buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải”.
-
Của cải vật chất có lẽ là sự an toàn đối với một số người. Sở dĩ
con người ngày nay đều vất vả, hối hả, chạy theo công việc, thành tích, lợi
nhuận, doanh thu… tất cả cũng chỉ để có thật nhiều tiền bạc hầu chắc cuộc sống của
họ ngày càng đầy đủ, sung túc, tiện nghi hơn, hoặc ít ra không phải sống trong
cảnh nghèo khó, khốn cùng hay đau yếu bệnh tật mà không có tiền chữa chạy.
-
“Một đơn hàng sự sống đời đời”, sau khi đã được xem xét kỹ
lưỡng, chất vấn, hỏi han, tìm hiểu, suy nghĩ và rồi không một cú “click” chuột,
một lời “say yes!”, một cái gật đầu “ok” được thốt ra! Đơn hàng trên đã không
được chốt, người thanh niên quay lưng bỏ đi. Tại sao anh ta mất đi cơ hội trên?
Phải chăng là “giá” quá đắt để mua đơn hàng?
2. Không Dám “Chốt Đơn” Vì “giá quá đắt”
-
Thật là liều lĩnh khi bỏ hết tài sản bao năm vất vả lao nhọc tìm
kiếm và sở hữu, nay lại dường như mất trắng khi bố thí cho người nghèo. Thực
tế, nếu phân phát của cải của mình cho người thân, bạn bè hay những người quen
biết, có lẽ ta sẽ còn cơ hội để lấy lại, hay ít ra là còn nhờ cậy họ khi ta lâm
cảnh cơ hàn, túng thiếu, cùng bần... Nhưng nếu bố thí hết tài sản cho người
nghèo, thì một cách chung ta cũng trở nên người “vô sản”, người nghèo túng,
khốn cùng. Thật là một sự mạo hiểm, một cái giá quá đắt cho việc bước theo Chúa
Giêsu.
-
Giá mà có chọn lựa cho việc “bắt cá 2 tay”, một là vừa bước theo
Chúa Giêsu và vừa được giữ nhiều tiền bạc, của cải? dĩ nhiên điều đó là không
thể, bởi vì chính Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo hèn, thậm chí
có lúc Ngài thốt lên “con Người không có chỗ gối đầu”. Thật vậy, cái chết của
Ngài trên thập giá cũng không có chỗ để gối đầu. Thế nên, việc bước theo một
Chúa Giêsu nghèo khó và vác thập giá là điều khó khăn với nhiều môn đệ.
-
Bởi lẽ, làm sao có thể tin rằng những việc bố thí đó sẽ là kho
tàng Nước Trời mai sau? Làm thế nào để kiểm chứng, cân đo đong đếm chúng? phải
chăng là chỉ có Đức Tin mà thôi! Hành trình bước theo Chúa là sự bấp bênh,
chênh vênh, “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ngài.” Chẳng
có gì chắc chắn và đảm bảo khi bước theo Chúa Giêsu ngoài lời hứa của Ngài là
được gấp trăm ở đời sau.
-
Sức mạnh của đồng tiền là khá lớn. Có người từng nói: “dĩ thực
vi tiên” hay “tiền là tiên là phật, là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng
người, là nụ cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng,
là cái lọng để che thân”, “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “đồng tiền đi trước là
đồng tiền khôn”, “tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền làm việc gì
cũng khó”, “những thứ không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều
tiền”... Cần phân biệt giữa việc có đủ tiền và tiền dư bạc thừa. Tiền bạc không
xấu tự thân, nó trở nên không tốt khi người dùng bị lệ thuộc vào nó. Bởi vì bạc
tiền có đôi khi làm cho con người trở thành nô lệ. Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo
người môn đệ “anh em không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền bạc được” (Lc
16,13). Dĩ nhiên, người môn đệ cần chọn lựa giữa việc tôn thờ Thiên Chúa trong
tự do hoặc làm nô lệ cho tiền bạc.
-
“Đơn hàng sự sống đời đời” trên đã được một Phanxico Assisi
“chốt đơn” trong một lần đi lễ ở nhà thờ. Ngài nghe được đoạn Lời Chúa trên “Anh
chỉ còn thiếu một điều: hãy về bán những gì anh có mà bố thí cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Ta”. Phanxico đã dứt bỏ
mọi sự giàu sang phú quý của gia đình, ngài cho người nghèo tất cả của cải mình
và quyết tâm bước theo Chúa Giêsu để loan báo Tin Mừng Nước Trời.
-
Ngày nay, có thể Chúa vẫn đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy có
tinh thần siêu thoát với tiền bạc, của cải vật chất… chúng là một trong những
thứ làm cản trở bước đường trở nên trọn lành và thủ đắc sự sống đời đời. Bởi
lẽ, nếu cố bám chặt vào của cải vật chất, đứng trước cái chết mọi người cũng
đành phải buông bỏ, dù muốn hay không. Đạt Lai Lạt Ma có câu nói nổi tiếng: “Ra
đời hai tay trắng, Lìa đời trắng hai tay, Sao mãi nhặt cho đầy, Túi đời như mây
bay.”
Câu hỏi phản tỉnh:
-
Đâu là những “đơn hàng mà tôi muốn chốt với Chúa”?
-
Điều gì làm tôi phân vân, bận tâm, lưỡng lự khiến tôi không dám
“say yes” với Chúa?
-
Có những thứ gì đang cản trở tôi đến gần với Chúa? Hay những gì
mỗi ngày càng kéo tôi ra xa Chúa hơn?
-
Cái giá phải trả khi tôi “chốt đơn” với Chúa? Cam kết, dấn thân
cho một chọn lựa là một hy sinh, quảng đại, hay là một tình yêu đáp lại tình
yêu?
-
Lạy Chúa! Con đang tìm gì và tìm ai? Đâu là lý tưởng đời con,
phải chăng là tiền bạc, danh vọng, địa vị, quyền lực… hay một cuộc sống an toàn
mai hậu? Chúng là chỗ nhất trong lòng con hay là Chúa? Chúa ở chỗ nào trong
những mối bận tâm hằng ngày của con? Xin ban cho con ơn hoán cải, biết tỉnh
thức trước đam mê bạc tiền, biết tìm kiếm và chọn một mình Chúa mà thôi! Xin
Chúa lấp đầy những ước mơ thánh thiện của con là hạnh phúc viên mãn muôn đời
với Ngài. Amen.
-
Tâm sự với Chúa Giêsu với tâm tình được thúc đẩy.
-
Kết
nguyện: đọc một kinh Lạy Cha thật sốt sắng.
0 Comments:
Đăng nhận xét