KHÁT PHỤC VỤ CỦA GIÊSU
Tin Mừng (Ga 13, 1-15)
“Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa
Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu
thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến
cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp
Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người
bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy
khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy
khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng:
“Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ
con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa
chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không
được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân
con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân,
vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người
biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”. Sau
khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người
nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta
là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa
và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho
nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy
đã làm cho các con”.”
Ơn Xin: Xin Chúa cho con
có được cảm nhận thâm sâu về tình yêu cá vị, mà Chúa Giêsu dành cho con. Để con
yêu mến Chúa hơn, và có được lòng khao khát phục vụ anh chị em mình, như chính
Chúa Giêsu, vì yêu thương mà phục vụ chúng con.
Khung Cảnh: Trong một căn
phòng kín đáo, nơi diễn ra bữa tiệc ly, đang khi dùng bữa, Chúa Giêsu cởi áo
choàng, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu. Người tiến đến bên chân các
môn đệ, cúi mình xuống, đổ nước và rửa chân cho từng người học trò của mình.
Các môn đệ lúng túng, ngỡ ngàng vì không hiểu hành động của thầy Giêsu. Sau khi
rửa chân cho các môn đệ xong, Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của hành động trên:
đó là “Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải
rửa chân cho nhau.” Thầy Giêsu đã làm gương cho các môn đệ, để các môn đệ cũng
làm như Thầy, nghĩa là phục vụ anh em mình.
Phần này đặt vào booklet để mọi người đọc chung trước
khi gợi điểm
Lời nguyện:
Lạy Thầy Giêsu,
khi Thầy
rửa chân cho các môn đệ
chúng con
hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.
Thày dạy
chúng con một bài học rất ấn tượng
khi Thầy
bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,
khi Thầy
cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.
Chắc Thầy
đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.
Giây phút
được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.
Lạy Thầy Giêsu,
thế giới
chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.
Chúng con
vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.
Ai cũng sợ
phải xóa mình, quên mình.
Ai cũng
muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.
Khi nhìn
Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.
Không phải
là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.
Từ khi Thầy
cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,
chúng con
thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.
Lạy Thầy Giêsu,
Thầy để lại
cho chúng con một di chúc bằng hành động.
Thầy đã
nêu gương cho chúng con noi theo,
để rửa
chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.
Xin cho
chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,
để nhờ đó
chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Diễn Giải Tin Mừng
Chỉ có một mình
thánh Gioan thuật lại bối cảnh Chúa Giêsu (CG) rửa chân cho các môn đệ. Khi biết
mình sắp lìa bỏ thế gian để về cùng Chúa Cha, CG có rất nhiều khao khát, thao
thức và trăn trối cho các môn đệ. Có lần CG đã thốt lên “Thầy còn một phép rửa
phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất”.
Dĩ nhiên, ‘phép rửa’ mà CG đề cập ở đây được hiểu là cuộc thương khó mà Ngài sắp
phải vượt qua. Nhưng trước khi đi vào cuộc khổ nạn, CG đã bày tỏ tình yêu
thương các môn đệ qua cách phục vụ họ. Ngài khiêm nhường cúi xuống rửa chân cho
các môn đệ trong bữa tiệc ly.
Cụ thể, trong
chương 13 của Tin Mừng này, thánh Gioan khéo léo lồng ghép những chi tiết và
câu nói rất có ý nghĩa. Chẳng hạn như: “Ngài yêu thương họ đến cùng”àThầy Giêsu biểu lộ tình
thương bằng hành động cụ thể cho các môn đệ; “các con cũng phải làm việc này
cho nhau” àhành
vi nêu gương rửa chân cho các môn đệ của Chúa Giêsu là bài học khiêm nhu phục vụ.
Bởi lẽ, “dấu hiệu người ta nhận biết, anh em là môn đệ Thầy, đó là hãy yêu
thương nhau” à
yêu thương phục vụ là “điều răn mới” mà thầy Giêsu muốn người môn đệ khắc cốt
ghi tâm. Ở đây, chúng ta sẽ suy niệm sâu kỹ hơn về tình yêu thương được thể hiện
qua thái độ: Khao khát phục vụ.
Suy niệm và cầu nguyện
Khao Khát Phục Vụ Trong
Tình Yêu Thương
Ta hãy thử cảm
nhận tình thương của CG dành cho các môn đệ. Thánh Gioan thuật lại rằng: “Ngài
vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình…và đã yêu thương đến cùng”. Thật vậy, tâm
thế của một người sắp đi xa, họ thường chu đáo, quan tâm, lo lắng cho người ở lại,
nhất là những người mình yêu thương. Một người mẹ sắp đi xa, còn làm được gì
cho con cái thì bà tận dụng thời gian còn lại để làm, như quét dọn phòng ốc, vá
chiếc áo quần, chuẩn bị đồ ăn trong tủ lạnh, thuốc men bên giường của con… và lặp
đi lặp lại những lời dặn dò kỹ lưỡng…
Chúa Giêsu cũng
đã căn dặn các môn đệ rất nhiều điều, nhưng có lẽ điều quan trọng mà Ngài nhấn
mạnh nhất trong bữa tiệc ly đó là: “hãy yêu thương nhau và phục vụ lẫn
nhau”. Đứng trước hành vi và thái độ khiêm nhường cúi xuống phục vụ của
Chúa Giêsu, các môn đệ không khỏi ngỡ ngàng và bối rối. Bởi lẽ, trong tâm thức
của họ vẫn còn những ước mơ vinh hoa, quyền lực và tự phụ. Họ vẫn dò xét xem ai
là người làm lớn giữa anh em với nhau? Khi nào thì thầy Giêsu sẽ khôi phục
vương quốc Israel và ai sẽ được ngồi bên tả bên hữu Thầy trong vinh quang…?
Đi sâu vào ánh
mắt và nội tâm của CG, ta thấy hình ảnh một Đấng Messia cúi xuống rửa chân như
người tôi tớ phục vụ, có lẽ đã trái ngược với suy nghĩ của nhiều người trong
các môn đệ. “Chúa mà rửa chân cho con sao? Không đời nào con chịu đâu?” Ánh mắt
nhìn của CG vào các môn đệ và thốt lên: “"Anh em biết: những người được
coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy
quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy", và kết
luận của Ngài là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh
em.” Chúa Giêsu đã nói và đã thực hiện điều đó bằng hành động cụ thể, đó là cúi
xuống phục vụ anh em mình.
Có lẽ, niềm
khao khát phục vụ của Chúa Giêsu rất mạnh mẽ. “KHÁT” ở đây không chỉ là động từ
chỉ việc khát nước, nhưng chính là khao khát phục vụ anh em trong tình yêu
thương, và để anh em học theo hành vi yêu thương đó mà phục vụ lẫn nhau. Thật vậy,
nếu phục vụ mà không có tình yêu thương tựa như “thanh la phèng phèng, chũm chọe,
xoang xoảng…”, người ta dễ trở thành người thợ làm mướn, làm công ăn lương…hoặc
thậm tệ hơn, như một người nô lệ vì sợ hãi mà phục vụ chủ mình. Dĩ nhiên, CG đã
làm công việc như người nô lệ là rửa chân cho chủ, nhưng thái độ và hành vi của
CG được xuất phát từ tình yêu tự hiến.
Đỉnh cao của
tình yêu tự hiến là hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu thương. Thật vậy,
CG đã “đến trần gian không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ,
và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Tình yêu tự hiến thể hiện qua
thái độ khiêm nhường phục vụ, xóa hủy mình ra không, hy sinh cả mạng sống mình
cho người mình yêu. Khi đọc đoạn thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi cho tín hữu
Phi-líp-phê, chúng ta mới thấy CG yêu thương chúng ta đến mức nào: “Đức
Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết giữ lấy địa vị ngang hàng với
Thiên Chúa mà lại trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình cho đến nỗi bằng lòng chịu chết
và chết trên cây thập giá.” (Pl 2,6-11).
Yêu là trao
ban, là hy sinh, là bỏ mình, là phục vụ lẫn nhau. Thật vậy, một trong các đặc
tính của tình yêu là trao ban, là cho đi. Yêu thì không muốn giữ cho mình mà muốn
chia sẻ cho người khác. Chính trong việc cho đi mà người ta tìm được hạnh phúc
trong tình yêu.
Hình ảnh của CG
KHÁT yêu thương và KHÁT phục vụ, tựa như cây nến chịu tan chảy chính mình để
chiếu sáng cho mọi người. Cũng thế, nếu không chịu hủy mình, thiệt thân và hy
sinh, ta không thể nào phục vụ anh chị em mình được. Chẳng hạn, muốn đi làm từ
thiện ta phải hy sinh không chỉ tiền bạc mà còn cả thời gian công sức và tâm
huyết. Muốn tham gia một hội đoàn (ca đoàn, hội hiền mẫu, gia trưởng, thiếu nhi
TT…), ta phải hòa mình, hòa đồng, hòa nhã với mọi người, nếu muốn cho bầu khí cộng
đoàn được bình an, hiệp nhất, mỗi người phải từ bỏ cái tôi, ý riêng nhiều hơn,
dẹp bỏ tính tự ái, hơn thua, ghen tị, chỉ trích, xoi mói, dèm pha, khinh thị…
Thậm chí, nếu tâm ta có đủ tình yêu thương, thì những lỗi lầm, thiếu xót của
người khác đối với ta chỉ tựa như nắm muối nhỏ bỏ vào biển sông mênh mông, chẳng
hề thấy mặn mà, chua chát gì cả.
Nhìn vào gương mẹ
Têrêsa Calcutta, ta thấy mẹ dành cả đời để cúi mình xuống phục vụ những người
nghèo khổ, bệnh tật, què quặt, đui mù, ghẻ lở… Hay như ĐTC Phanxio, từ khi nhận
chức Giáo Hoàng (2013-nay), ngài luôn tổ chức thánh lễ tiệc ly ở trong các nhà
tù, thăm viếng, ủi an và cúi mình xuống rửa chân cho những người tu tội đó. Đã
không ít người ôm chặt lấy ĐTC mà khóc lóc, mà vui sướng và cảm động, vị họ thấy
mình được tôn trọng và yêu thương. Tuy hành động nhỏ bé, nhưng với tình yêu lớn
lao, có thể ĐTC đã gieo niềm tin yêu, hy vọng vào tâm hồn những tù nhân đã bị tổn
thương, đau khổ, và thiếu vắng tình yêu.
Câu hỏi phản
tỉnh:
-
Có bao giờ ta thốt lên lời nguyện: “Lạy Chúa!
Xin cho con chỉ biết khao khát một mình Chúa”?
-
Tôi có cảm nhận về việc được TC yêu thương và
chăm sóc không? Như thế nào?
-
Đâu là những lời mời gọi Chúa dành cho tôi trong
việc yêu thương và phục vụ anh chị em mình?
-
Tôi có cảm thấy xấu hổ, mất công, mệt mỏi khi phục
vụ anh chị em mình không? Động lực nào thúc đẩy tôi phục vụ anh chị em mình? Nếu
được chọn lựa một việc nào đó để phục vụ anh chị em, tôi sẽ chọn lựa việc nào,
cụ thể ra sao?
0 Comments:
Đăng nhận xét