Lễ Tốt Nghiệp Triết Học Tại SJJS 2024
---------------Tri Ân Cảm Mến----------------
P/S: Con xin chân thành cảm ơn quý cha thầy trong Dòng Tên đã chăm lo cho con đến ngày hôm nay. Con xin tri ân Bố mẹ, chị em, cô dì, chú bác, cậu mợ, quý bạn bè thân hữu xa gần và quý cha, quý tu sĩ nam nữ đã đến tham dự thánh lễ để cầu nguyện và gửi lời chúc mừng cho con trong ngày vui hôm nay. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và đồng hành cùng mọi người trong mỗi ngày sống được luôn bình an, hạnh phúc và nhiều niềm vui…!!!
---------Còn Lại Gì Sau 3 Năm Học Triết?-------
✍️Cách đây vài ngày trong bàn cơm trưa, có một cha lớn tuổi đã đặt câu hỏi rất thực tế cho anh em triết sinh chúng tôi rằng: “sau những năm tháng học triết tại đây, trong em còn đọng lại gì?” Câu hỏi tưởng chừng dễ dàng trả lời, thế nhưng không hẳn vậy, bởi đó là một câu hỏi mang tính suy tư phản tỉnh đối với tôi.
✍️Thực tế, các triết gia thường suy nghĩ độc lập và tự do về các vấn đề tối hậu của cuộc sống. Chẳng hạn như việc triết học cố gắng giải quyết các vấn nạn hiện sinh của con người qua các câu hỏi nền tảng như: tôi là ai? Và điều gì quan trong nhất cuộc sống này? Thượng Đế có thật hay không và nếu có (ngoài thần học ra) thì chứng minh như thế nào theo triết học? Tương quan giữa ý niệm của con người với ngôn ngữ như thế nào, cái nào có trước? Ta có bổn phận phải lo cho người khốn cùng xung quanh hay không và tại sao? Bản tính con người là thiện hay ác? Có phải tha hóa trong sản xuất thực sự khiến con người bất hạnh…?
✍️Trước hết, người học triết cần khởi đi từ việc tìm hiểu những khái niệm cơ bản đến siêu hình. Họ nghiên cứu sâu rộng từ những môn học đại cương cho đến những môn chủ đạo của chuyên ngành triết, như Tri Thức Luận, Siêu Hình Học, Hữu Thể Học hay Logic Học… hay từ các triết gia từ Đông Tây Kim Cổ. Đồng thời, càng cần thiết hơn, khi họ thực hành thói quen tư duy biện chứng, phản biện, để rút ra kết luận cho riêng mình. Dĩ nhiên, họ cũng cần: “Học nhi bất tư, tắc võng; tư nhi bất học, tắc đãi.” ( Luận Ngữ, Vi Chính, 15), nghĩa là “chỉ học mà không suy tư thì sẽ bị rối rắm; chỉ suy tư mà không học thì sẽ bị nhọc mệt.”
✍️Trở lại với câu hỏi ban đầu, qua những năm học triết, tôi thủ đắc được gì? Trước tiên, có lẽ đó là sự kiên nhẫn. Thật vậy, đã có nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc khi cảm thấy mệt mỏi và chán nản với những trang sách triết học khô khan và những lý lẽ khó hiểu. Thế nhưng, mỗi lần thử cố gắng hơn, đọc đi ngẫm lại, dùi mài từng trang sử sách kia qua từng triết gia và bối cảnh sống của họ, tôi lại hiểu hơn là: tại sao ông ta suy nghĩ và phát biểu như vậy? triết gia này có kế thừa từ những ai trước kia…? Đâu là điểm sáng và chưa ổn nơi lý thuyết đó? Nhờ đó, tôi có thể thực hành thói quen suy tư phản tỉnh hơn.
✍️Kế đến, tôi hiểu được rằng triết học suy tư để giúp thần học được sâu sắc hơn, đồng thời, thần học là điểm đến của triết học, bởi vì triết học là yêu mến sự khôn ngoan (Philia-sophia), mà chính Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ, là sự Khôn Ngoan tối hậu. Thế nên, học triết cũng là cách thức giúp tôi học thần học được tốt hơn. Thử hỏi rằng: nếu không dùng các khái niệm: bản thể, bản tính, yếu tính, thuộc tính, chất thể, mô thể, tùy thể… của các triết gia cổ đại như Aristotle, thì làm sao thần học có thể diễn tả về Bí Tích Thánh Thể cách sống động và dễ hiểu hơn?
✍️Hơn nữa, học triết giúp tôi biết bận tâm hơn về các vấn đề hiện sinh của con người. Chẳng hạn như các vấn đề về đạo đức của Aristotle (Nicomachean Ethics), cho đến trách nhiệm với tha nhân theo E. Lévinas, hay quy luật phổ quát lý tính của Immanuel Kant… Đồng thời, tôi cũng hiểu hơn về thân phận con người trong nhãn quan của Martin Heidegger, một Dasien bị quăng ném trong thế giới và có nguy cơ bị tha hóa trong cõi người ta, hay nỗi chán ngán cô đơn thẳm sâu... Đặc biệt, G. Marcel, Karl Jasper nhắc nhớ tôi rằng: “tha nhân là huyền nhiệm” và cần tôn trọng họ như họ là…
✍️Tóm lại, triết học nhắc nhớ tôi một số điều quan trong trong cuộc sống như: tương quan giữa tôi với Thiên Chúa và tha nhân cần được chăm chú và đào sâu hơn, ngõ hầu sự hiện hữu của tôi được nên tròn đầy với căn tính của mình theo cái nhìn triết học. Cho đến nay, ít nhiều những tri thức triết học trong 3 năm qua còn tồn hữu trong tôi. Nhưng có lẽ nếu không “ôn cố nhi tri tân” thì chúng sẽ mai một theo năm tháng thời gian. Vì thế, thiết nghĩ rất cần thiết cho việc “hành triết” mỗi ngày trong cuộc sống qua thói quen suy tư phản tỉnh dựa trên nền tảng lý tính và logic bàn bản hơn.
✍️Vì học triết là học “yêu mến sự khôn ngoan” mà Thiên Chúa là Đấng Khôn Ngoan, nên học triết cũng là dịp để tôi học cách yêu mến Thiên Chúa và tha nhân hơn. Bởi lẽ, tha nhân cũng là chính tôi và tôi cũng là một phần của tha nhân. Khổng Tử đã rất chí lý khi phát biểu: “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, nghĩa là “điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”; thế nhưng, Chúa Giêsu lại dạy rằng: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” (Lc 6,31)
Kỷ niệm ngày Tốt Nghiệp Triết Học 31.5.2024
A.M.D.G
Minh Đức SJ
0 Comments:
Đăng nhận xét