Trước hết, ta hiểu Mạc (幕)
là cái màn, khăn che; Khải (啟) là mở ra. Mạc khải là mở ra những điều kín ẩn, bị
che giấu. Điều này có nghĩa là Đấng Tối Cao, hay Thượng Đế muốn tỏ bày chính
mình và Chân Lý cho con người.
Các đạo sĩ Ấn tin rằng: “trong Thánh
Điển Veda có Mạc khải và những Chân Lý do Thượng Đế Mạc Khải cho loài người ở đầu
mỗi chu kỳ vũ trụ.” (Lý
Minh Tuấn, Triết Lý Chữ Hòa, (Tp. Hồ Chí Minh, Nxb Phương Đông, 2011),
123).
Cụ thể là trong Thánh Điển Veda có bài Tụng
Ca Đấng Sáng Tạo (Visvakarman), sau khi được đại hiền triết tra vấn về những Chân
lý, Thượng Đế đã trả lời:
“…Hỡi đại hiền triết!
Hãy tìm vào bên trong,
Và thực-hiện ở tại chính tâm mình.
Cơ sở của vũ-trụ.
Mà Người đã kiến-thiết.”
(Nguyễn
Đăng Thục, Lịch Sử Triết Học Phương Đông,
37-38)
Điều này có nghĩa là Chân Lý được Mặc
Khải trong kinh Veda. Đồng thời, Chân Lý cũng được đặt để, phú bẩm sẵn ở bên trong
lòng mỗi người. Thật vậy, theo truyền thống Ấn giáo thì Biết là do Thượng
Đế Mạc khải, và “Chân Lý chính là Thượng Đế, là Đấng Tối Cao, và chính Ngài
luôn luôn hiện diện bên trong con người, và qua đó truyền thông Chân Lý cho chúng
ta mỗi ngày một nhiều hơn trong khi mà khả năng tiếp thu của chúng ta trở nên mỗi
ngày một tinh tường” (Lý
Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu
(Sài Gòn: Nxb Hồng Đức, 2014), 364 – 375).
Như vậy,
chính tâm hồn, hay cung lòng của mỗi người là nơi chứa đựng Mặc Khải. Điều này
gần giống với trực giác của thánh Augustinô, khi ngài cảm nhận rất rõ về sự hiện
diện của Thiên Chúa ở trong lòng mình. Hay như định nghĩa của Giáo Lý Hội Thánh
Công Giáo: “lương tâm của mỗi người là nơi Thiên Chúa hằng ngự trị” (GLHTCG
s.1776).
Cùng với quan niệm: con người có khả
năng khám phá và hiểu về Mặc Khải của Đấng Tối Cao,[1] các
đạo sĩ Ấn còn cho rằng: “Thực Tại Tối cao là Nguyên Lý duy nhất của vũ
trụ…và ‘chỉ hơi thở (Prana) của Người cũng đủ thành sinh khí cho cho toàn đại
vũ trụ, đủ tạo nên vạn vật, sự chi phối đến độ đều nằm sẵn ở từng cá thể vi ti
nhỏ nhặt nhất’ theo Atharva-Veda” (Lý
Minh Tuấn, Vào Cửa Triết Đông, (Tp. Hồ Chí Minh, in lần 1 năm 2020, Nxb
Trẻ, 26-27)).
Bên cạnh đó, những bậc đạo-sĩ-thấu-thị
có khả năng tiếp thu những lời mật chú
(mantra) từ Mạc Khải của Đấng Tối
Cao; sau đó, các vị này đã chép lại vào trong Thánh Điển Veda. Như vậy, Thánh
Điển Veda cũng chứa đựng những Chân Lý “cách gián tiếp” để truyền dạy cho các
tín đồ. Tuy nhiên, như Mạc Khải trong Thánh Điển Veda thì chính mỗi người “bình
thường” cũng có thể “tự” khám phá ra Chân Lý bên trong mình “cách trực tiếp” bằng
con đường thực-nghiệm-nội-quan tâm-linh.
Nhưng nó “đòi hỏi con người phải nỗ lực tu tập, vượt ra ngoài lãnh vực lý trí,
để đạt tới tri kiến tâm linh, để nhận được ơn thiên-khải, và có cái Biết-thực
(Chân-tri), theo Rig-Veda.” (Lý Minh Tuấn, Đông Phương Triết Học Cương Yếu (Sài Gòn: Nxb Hồng Đức, 2014), 366).
[1] Các đạo sĩ Ấn thường chỉ thị Thực
Tại Tối Cao Vô Ngã với danh hiệu Brahman, mà con người có thể kết hiệp
và hòa lẫn vào đó. Khi thành tựu đường tu, Atman (tiểu ngã, tự ngã) sẽ
nên một với Brahman (Đại ngã), Tat Tvam Asi. (theo Lý Minh Tuấn, Vào
Cửa Triết Đông, (Tp. Hồ Chí Minh, in lần 1 năm 2020, Nxb Trẻ,
28-29))
0 Comments:
Không cho phép có nhận xét mới.