Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

NGHĨ VỀ CHÍNH MÌNH DƯỚI CÁI NHÌN TRIẾT HỌC

 


 Tôi lúc tuổi thơ và bây giờ có gì khác nhau? Dùng mắt để nhìn, dùng đầu để nghĩ. Nghĩ về cái gì? Thưa về những thứ mà mắt thấy, tai nghe… Nhưng, có những thứ mắt thấy, tai nghe đều vô thường, khả biến. Vậy, đâu là bản thể thường tồn mà tôi có thể ý thức về mình?

Aristotle là một triết gia thời Hy lạp cổ đại, ông cho rằng: bản chất của sự vật là bản thể của nó? Mà bản thể là cái nằm bên dưới sự vật, cái mà không có nó thì sự vật không bền vững. Hồi xưa, khi còn bé thì tôi ngây ngô, ngớ ngẩn, nghịch ngợm… đó là những tùy thể. Tôi có nước da ngăm đen và đó là thuộc tính (cái mà không thể thay đổi). Thuộc tính da ngăm đen đó không thể tồn tại độc lập, nó thuộc về bản chất con người tôi, thậm chí nó là bản thể theo nghĩa cao hơn (theo kiểu cá biệt). Theo Aristotle, bản thể của tôi có hai loại: cá biệt (hiện hữu của tôi) và phổ biến (nước da ngăm đen).

Thế nhưng, Plato chỉ quan tâm đến cái phổ biến “thịt da ngăm đen” và “tính ngây ngô” mới là những cái duy nhất, vì chúng có thật. Thật vậy, Plato là ông tổ của thuyết duy tâm khách quan, ông cho là những cái phổ biến ấy là thuần túy, hoàn hảo, mẫu mực… Chứ không nhếch nhác khi trở thành những thuộc tính ở trần gian. Vì thế, chúng ở trong thế giới khác, trong khi những sinh vật cá biệt trên trần gian này chỉ là bản sao tồi tàn, mờ nhạt.

Vào thời trung cổ, Thomas Aquinas cũng đồng ý với Aristotle là khởi đi từ những sự vật và bản thể trên trần gian này, nhưng cần tìm cho chúng một nền tảng sâu xa hơn. Do đó, theo Aquinas thì chỉ có thượng đế mới làm cho một sự vật trở nên có bản chất, có nền tảng sâu xa, nghĩa là có bản thể vững vàng. Nếu không có thượng đế và ý chí vững vàng của ngài để sáng tạo và duy trì thế gian này thì tôi cũng như vạn vật đều tan rã hết. Vì thế, thượng đế đã tạo dựng nên tôi, trao cho tôi cái hiện hữu sâu xa và vững vàng.

Là cha đẻ của triết học cận đại, René Descartes cũng nhắm đến thượng đế để làm điểm tựa cho quan điểm triết học của mình. Nhưng khác với Aquinas, Descartes cho là chỉ có Thiên Chúa và chỉ duy mình Ngài mới sở hữu bản thể vĩnh hằng theo nghĩa tuyệt đối, còn toàn bộ thực tại chia làm hai loại bản thể: bản thể có quảng tính (vật chất) và bản thể có tư duy (tinh thần), ví dụ như tôi đi đến trường để học! ngôi trường là bản thể có quảng tính và tôi đi học đó là bản thể có tư duy.

Leibniz có cái nhìn khác với Descartes, ông cho rằng chính những “đơn tử” (monad) mới làm nên bản chất của sự vật. Monad này “không có cửa sổ”, nghĩa là không thể nhìn vào bên trong nó, nó tự tồn tại và không có gì bên ngoài làm thay đổi nó được. Không có cái gì vào hay ra qua nó được. Đặc biệt, đơn tử này có lực! mà lực khổng lồ nữa là khác. Sức mạnh nội tại của sự vật là có thật. Ví dụ, động lực của tôi là làm Vinh Danh Chúa, nên tôi cố gắng học tập và làm việc hết sức mình.

Immanuel Kant thấy các khẳng định của Descartes, Leibniz nghe thì hay nhưng không thể kiểm chứng được, cho nên Kant quan niệm rằng bản thể là cái gì chỉ hiện hữu trong đầu óc con người như một phạm trù để suy nghĩ về sự vật thôi, còn bản chất của sự vật là điều không thể nhận biết được.

G. W. F. Hegel nghĩ đến quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng: hiện tượng là gì nếu nó thiếu đi cái bản chất; bản chất là gì nếu nó không trình hiện ra? Edmund Husserl cho rằng, đối với con người, không có cái bản chất nào ẩn giấu đằng sau sự vật cả, tất cả đều là những gì trình hiện cho ta, nên triết học của ông được gọi là hiện tượng học. Từ đó, Jean Paul Sartre, một trong những ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh, cho rằng hiện hữu của con người có trước bản chất. Xác định trước một bản chất, là hạn chế sự tự do chọn lựa của con người! Đối với các triết gia Anh, nhất là David Hume, John Locke, chỉ có những gì tri giác được, đo đếm được mới có thực. Một tư tưởng được thời đại bấy giờ hoan nghênh, vì nó hoàn toàn tương hợp với phương pháp của khoa học tự nhiên thời cận đại.

Ở thế kỷ 20, triết học và khoa học luận tìm cách thay thế khái niệm bản thể/bản chất quá trừu tượng bằng khái niệm chức năng. Lý thuyết hệ thống cũng vậy: sự vật được xác định không phải từ bản chất của nó, mà từ chức năng của nó trong một hệ thống nhất định.

Nhưng, nhiều người vẫn chưa trọn tin vào lý thuyết ấy. Họ vẫn cứ thành tâm hướng đến một cái gì siêu việt hơn đời thường, và… tôi đây vẫn còn ưu tư về hữu hữu của chính mình…


Minh Đức S.J.

0 Comments: