Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2023

Tâm sự của ông Hùng!

 

Tâm sự của ông Hùng!




Thầy đừng nói với ổng là ổng bị ung thư đường ruột giai đoạn cuối nhé! ở đây mọi người giấu kín để ổng khỏi bị sốc, bị sầu khổ và đi sớm đó…” vâng, đó là những lời căn dặn của chị nhân viên nhà hưu dưỡng với tôi, trước khi tôi thăm các cụ ông ở đây, đặc biệt là cụ Hùng.

Như thường lệ, anh em học viên chúng tôi thường đi thăm những người nghèo vào cuối tuần. Hôm nay, tôi chạy xe máy đến thăm các cụ ở viện dưỡng lão Hòa Xuân, gần Gx. Lai Ổn (Đồng Nai). Vừa dựng chân chống xe máy xuống, tôi đã nghe thấy tiếng rì rào mở máy bên trong, dường như có giọng một ai đó như là cha đang giảng lễ thì phải? Tiến vào trong nhà, tôi nhận ra: à! thì ra là cụ Hùng đang mở máy và nghe các bài giảng về Lòng Thương Xót Chúa của Cha Long. Tôi cất tiếng chào các cụ: “con chào các cụ, con đến thăm các cụ đây! Các cụ có khỏe không ạ!” Đáp tại đó là tiếng “Ồ! Chào thầy!” của các cụ.

Trong căn phòng đó, có sáu cụ đang ở cùng nhau. Các cụ đều vui vẻ tiếp đón tiếp tôi từ trên giường, vì các cụ đi đứng có vẻ khó khăn, nên tôi chủ động đến bắt tay và chào thăm từng người. Bầu khí trở nên rộn ràng và đan xen những tiếng cười kèm theo những tiếng ho khan, lụ khụ… Các cụ đang đau bệnh mà, tôi hiểu và đồng cảm cùng các cụ. Cạnh bên đầu giường mỗi cụ là cái bàn, trên đó có một hộp thuốc tây, một ấm trà và một ly đựng nước. Bên trên cái bàn đó là bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót. Các cụ mời tôi ngồi chơi và uống nước. Sau khi chào thăm các cụ một vòng, tôi đến bên cụ Hùng vì tôi biết bệnh tình của cụ khá nặng.

Cụ Hùng mời tôi ngồi ghế cạnh bên và nói tôi tự rót nước trà mà uống, vì cụ đau lưng và ngồi dậy khá khó khăn. Tôi trả lời cụ: “vâng, con mới uống nước ở nhà rồi! con đến đây để thăm và nói chuyện với cụ ah…” Cụ Hùng có tính cách nhanh nhẹn, tuy không vận động tay chân linh hoạt, nhưng đầu óc và miệng lưỡi còn linh hoạt lắm! Cụ chủ động hỏi thăm tôi trước: “thầy khỏe không? Học hành tới đâu rồi? sắp làm thầy cả chưa? Khi nào làm thầy cả nhớ dâng lễ, cầu nguyện cho tôi nhé!” Đáp lại, tôi cười và trả lời cụ: “con khỏe nè, con khỏe nên mới tới thăm cụ đây, con đang học triết năm nhất, còn lâu lắm mới chịu chức, cụ nhớ cầu nguyện thêm cho con nhé!” Cụ cười và nói: “thầy ở trong nhà Chúa, gần Chúa rồi thì cầu nguyện nhiều cho tôi mới đúng…haha” Nói xong, cụ bật cười và tôi cũng cười theo.

Sau một hồi lâu nói chuyện, tôi bắt đầu hỏi thăm cụ về sức khỏe hiện tại và hỏi cụ cảm thấy như thế nào? Cụ hít một hơi và thờ dài… trông có vẻ não nề lắm! Mắt đau đáu nhìn lên trần nhà, cụ nói với tôi: “đời là bể khổ, qua được bể khổ là qua đời, thầy nhỉ!” Tôi trả lời: “sao cụ bi quan quá nè… cuộc đời này có nhiều niềm vui và hy vọng mà!” Cụ nhìn tôi và kể: “thầy ơi! Thầy còn trẻ quá, có lẽ sự đời thầy chưa trải nghiệm nhiều bằng tôi rồi! Tôi năm nay gần bảy lăm tuổi và đã nằm gai nếm mật nhiều. Vì sinh ra trong thời cảnh chiến tranh, tôi đã chịu nhiều sự khốn khó. Cú sốc đầu đời là khi tuổi mới lớn, tôi yêu thương thắm thiết một cô gái trong làng, nhưng… tôi bị nàng phản bội… tôi đau khổ vô cùng. Mắt cụ buồn nặng trĩu và cụ cất cao giọng đọc bài thơ, như trút bầu tâm sự dày đặc trong nhiều năm:

“Tình yêu là cái chi chi…

Để cho ta phải sầu bi lụy tình.

Để rồi sầu khổ một mình,

Năm canh lẻ bóng, lệ tình tuôn rơi.

Yêu là chi! ta mang phải,

Đọa đầy số kiếp, khổ dại tầm thân.

Để thêm vương vấn bụi trần,

Để cho hồn phải chết lần vì yêu.

Yêu là thế, xin người đừng biết.

Đừng tập yêu, mà khổ vì yêu.

Nếu yêu nhiều, khổ thêm nhiều,

Nhưng tình yêu, mang đến nhiều mến thương.”

Đọc bài thơ xong, cụ Hùng nói rằng: “tình yêu dù mang nhiều đau khổ, nhưng nó lại có cái thú của nó thầy ah. Yêu thì khổ mà không yêu thì lỗ, thôi thà chịu khổ mà không chịu lỗ…haha”. Cụ lại tiếp câu chuyện: “nói về khổ và tình thương, tôi lại nhớ đến cha tôi. Cha tôi hằng yêu thương tôi, thế mà vì chiến tranh, cha tôi đã chết vì bom đạn để tôi phải mồ côi khi mới hơn mười tuổi.” Cụ lại cao hứng cất bài thơ với giọng nghẹn ngào:

“Rồi hôm nay, con sẽ làm đám dỗ cha

Cha thấy không, con của cha chẳng quên nguồn

Con sẽ thắp nhang, ngập ngừng lau ngấn lệ

Di ảnh cha hiền, con sẽ cất giữ luôn

Nhớ lại lúc mặc đồ tang trắng

Đưa tiễn cha hiền, về lòng đất thiên thu

Trời nghĩa địa, hôm nay không có nắng

Ôi! Mặt trời xót xa, nên mặt trời buồn

Khi còn sống, cha thường khuyên con hãy:

Sống cuộc đời, trọn vẹn nghĩa yêu thương.”

            Cụ Hùng vẫn nhớ thương về người cha yêu dấu của mình. Cho nên, nhắc đến cha, cụ nhớ đến những lần làm đám dỗ cha, và cả những lời khuyên dạy của cha mình. Dù ngắn ngủi nhưng sâu sắc, và những lời đó dường như được cụ ghi tâm khắc cốt. Tôi muốn bàn về chuyện khác để cụ quên đi nỗi niềm dĩ vãng với đậm sắc màu bi thương. Tôi hỏi cụ: “hằng ngày, ở đây cụ vẫn ăn ngon và ngủ đủ giấc chứ ạ?” Cụ cười và nói; “đồ ăn thì cũng được đó, nhưng hình như đường ruột của tôi có vấn đề hay sao đó? tôi ăn hoài mà vẫn bị sụt ký, bị tiêu chảy và mất sức do mất ngủ nhiều… Có lẽ, tôi già rồi, sinh lão bệnh tử là quy luật của cõi nhân sinh mà thầy! Chắc chỉ có Chúa mới giải thoát tôi khỏi cảnh sầu bị, bệnh hoạn, tật nguyền này… thầy nhỉ!” Nói rồi, cụ Tuấn lại cất cao bài thơ mà cụ thuộc lòng và nhẩm đi nhầm lại nhiều lần:

“Chúa ơi! Bao giờ con mới thoát

Cảnh đọa đầy, hình phạt của thế gian

Trong kiếp người, số phận lang thang

Thân xác sống, hồn đi hoang lạc lõng

Từng tiếp nối, mối hận thù mang máu nóng

Đem oan thù, vào cuộc sống hôm nay

Chúa ơi! Có hiểu sự đắng cay

Của những kẻ, đang sống vay tình ái

Xin thua thiệt, để người đời được thắng

Và cam đành, nằm trong tấm ván hơn oan

Chỉ nguyện cầu, khi phủ nắp áo quan

Vuông lụa trắng che thế gian đen tối.”

Cụ đọc xong, tôi cảm thấy một bầu tâm trạng nặng nề đang bao phủ lấy cụ. Tôi tìm cách để đổi bầu khí và giúp cụ có cái nhìn lạc quan, hân hoan và hy vọng hơn. Tôi nói: “sao cụ nhìn đời bi quan thế! Cuộc sống còn nhiều điều thú vị, lạc quan và cần đến sự trợ giúp của chúng ta mà! Chẳng hạn như bạn bè của Cụ, người thân của cụ… họ cũng cần đến lời cầu nguyện, những hy sinh khi chịu đau bệnh của Cụ mà!” Cụ nói rằng: “bạn bè tôi cũng chết gần hết, con cháu thì mỗi đứa mỗi nơi, tôi không có gia đình, tụi nó có cuộc sống riêng… chẳng ai thèm nhớ đến tôi đâu!” và trong tiếng thở than đó, cụ lại ngâm nga những vần thơ tiếp:

“Người nằm xuống, ngàn năm say giấc ngủ

Xuôi sự đời, chối bỏ lại sau lưng

Chung quanh người, đông bạn bè ngày cũ

Họ nhìn người, mà nước mắt rưng rưng.”

            Khi thấy cụ giãi bày những tâm tư nặng nề, não nùng trong lòng, tôi tự hỏi chính mình: “mình có thế giúp gì cho cụ? Chúa ơi! Con phải làm gì đây, con phải nói gì để giúp cụ sống vui hơn?” Không có sự trả lời nào hiện ra trong lòng, ngoài sự tĩnh lặng. Tôi hiểu rằng, điều cần nhất lúc này không phải là khuyên nhủ cụ điều này, điều kia, điều nọ, nhưng quan trọng nhất là sự hiện diện chân thành và tròn đầy nhất của tôi. Tôi chỉ cần lắng nghe, cảm thấu với những đồng cảm của cụ Hùng. Tôi sẽ là nơi để cụ chia sẻ, xả giải những phiền não của gánh nặng tuổi tác, bệnh tật. Sau đó, hãy dâng những lời nguyện cầu cùng Chúa cho cụ, để cụ có thể vượt qua những khó khăn đó cách nhẹ nhàng với lòng tin cậy và yêu mến Chúa.

            Trước khi chào cụ Hùng để ra về, tôi nói nhỏ vào tai cụ: “khi nào cụ đau quá, cụ nhìn lên ảnh tượng Lòng Thương Xót Chúa kía nhé! Chắc chắn Chúa Giêsu sẽ hiểu thấu và trợ giúp cụ. Cụ cứ tin lời con nhé!” Đó là những lời sau cuối mà tôi đã nói với cụ. Khi ra về, tôi cảm nhận thấy nỗi khắc khoải về thân phận con người với những nỗi khổ, niềm đau vẫn đang hiện sinh trong đời sống hằng ngày, nơi rất nhiều người… và tự hỏi trong lòng: “Lạy Chúa con sẽ phải làm gì cho họ đây?”

 

Minh Đức S.J.

0 Comments: