Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

PHÂN TÍCH VÀ SO SÁNH VỀ HẠNH PHÚC THEO QUAN ĐIỂM CỦA ARISTOTLE VÀ JOHN STUARL MILL



PHÂN TÍCH VÀ SO SÁNH VỀ HẠNH PHÚC THEO QUAN ĐIỂM CỦA ARISTOTLE VÀ JOHN STUARL MILL

Bộ môn: Triết Học Đạo Đức

Học viên thực hiện: Nguyễn Minh Đức, S.J.

Giáo sư hướng dẫn: Nguyễn Minh Triệu, S.J.

 Tháng 09 năm 2023

Dẫn nhập

Đã mang thân phận làm người, có lẽ thủ đắc và tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc là điều hằng ao ước của nhân loại từ cổ chí kim. Chẳng ai mong muốn cuộc sống với nhiều đau khổ, chán chường, và tuyệt vọng… thế nên, khát khao hạnh phúc là một nhu cầu thẳm sâu, và mãnh liệt nơi tâm hồn cũng như trong bản tính của con người. Chính thánh Tôma Aquinô đã nói: “Theo bản tính tự nhiên, tất cả mọi người đều khát mong hạnh phúc.”[i] Thế nhưng, để có một sự thấu hiểu và phát biểu chính xác về hạnh phúc cách phổ quát thì có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy lúng túng, và ngại ngùng. Tuy nhiên, nếu ta hỏi họ quan niệm và cảm nhận cá nhân về hạnh phúc thì có lẽ họ sẽ trả lời dễ dàng hơn, vì nó mang tính chủ quan, cục bộ chứ không phải phổ quát và tất yếu. Do đó, sẽ có rất nhiều định nghĩa về hạnh phúc với những nội hàm khác nhau.

Chẳng hạn như, với một số người khi đau bệnh thì hạnh phúc chính là có một sức khỏe tốt; với những người nghèo đói có tiền bạc và cơm no áo ấm là hạnh phúc; với những người sống trong sự nô lệ thì tự do và quyền lực là giá trị hạnh phúc đối với họ. Một số người khác đưa ra quan điểm chung chung là hạnh phúc khi được thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần và tâm linh. Điểm qua một vài trường phái triết học, với những triết gia là những người yêu mến sự khôn ngoan trong cuộc sống, họ định nghĩa về hạnh phúc rất khác nhau. Đối với chủ nghĩa khoái lạc (hedonism), hạnh phúc chính là khoái lạc ở cảm giác, chẳng hạn như: bình an thứ thái, an nhiên tự tại, ăn chơi, nhảy múa, ca hát, hưởng thụ… như Epicure khẳng định: “hạnh phúc là triệt để hưởng thụ đời này cho đến hơi thở cuối cùng.” Dĩ nhiên, theo Epicure, khoái lạc không có nghĩa là chìm đắm trong dục lạc, nhưng là hành lạc theo kiểu: một thân thể không đau, một tâm hồn không loạn: hạnh phúc thật của con người chí có bấy nhiêu thôi.

Với những người theo chủ thuyết duy ngã luân lý (ethical egoism), hạnh phúc là việc theo đuổi lợi ích cho riêng mình và chỉ có thỏa mãn lợi ích cá nhân mới là điều con người cần phải tìm kiếm. Có cái nhìn cấp tiến hơn, chủ nghĩa tiến bộ (progressism) quan niệm tiến hóa là quá trình thăng tiến và triển nở đời sống con người để vươn đến cùng đích là hạnh phúc đích thực. Vừa là triết học gia và thần học gia thời trung cổ, thánh Tôma Aquinô khẳng định: “Thiên Chúa chính là hạnh phúc xét như là cùng đích tối hậu và một khi còn ở trần gian này, không ai có thể đạt được hạnh phúc đích thực và hoàn hảo mà chỉ là hạnh phúc bất hoàn hảo mà thôi.”[ii]

Thế nhưng, khác hẳn với những quan niệm về hạnh phúc trên, theo I. Kant để xứng đáng hưởng hạnh phúc, mỗi người phải ra “Bổn phận luật” (obligation) cho riêng mình, và ngang qua “mệnh lệnh tuyệt đối” (kategorische imperativen) với “quy luật tự trị” (autonomie) họ ép ý chí thực hiện theo một “quy luật phổ quát” nhằm đem lại lợi ích cho mọi người. Vì thế, Kant đã đúc kết một công thức nổi tiếng là: “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ biến.”[iii]

Cũng trong những thập niên gần đây, Rick Hanson là tiến sỹ y khoa và cũng là nhà tâm lý học thần kinh nổi tiếng, đã đề ra ba yếu tố của hạnh phúc: Một là hài lòng (satisfaction), hài lòng là biết đủ, là biết tận hưởng cái mình có, như người Đông phương có câu: ‘tri túc tâm thường lạc, vô cầu phẩm tự cao.’ Hai là bình an nội tâm (inner peace), bình an nội tâm nghĩa là không có năng lượng tiêu cực, không có giông bão, sóng gió, cáu bực trong tâm thức, và tâm hồn hoàn toàn thư thái, lắng dịu…; Ba là chia sẻ (sharing), chia sẻ cho những người xung quanh ta với những giá trị quý giá mà mình hiểu biết, mình sở hữu… làm cho đời sống của họ được hạnh phúc hơn.

Tóm lại, khi điểm qua các quan niệm về hạnh phúc của một số triết gia cũng như một số trường phái trên, ta thấy nổi lên hai chiều hướng cơ bản là nhắm đến hạnh phúc cá nhân và cộng đồng nhân loại. Để nghiên cứu cụ thể về hạnh phúc, có hai tác phẩm triết học lớn bàn về hạnh phúc là Nicomachean Ethics (thời cổ đại) Utilitarianism (thời hiện đại). Vậy, trong phạm vi bài viết này, để hiểu rõ hơn về khái niệm hạnh phúc đích thực đối với mỗi cá nhân và cộng đồng, tác giả sẽ trình bày, phân tích và so sánh điểm chung cũng như sự khác biệt về quan niệm hạnh phúc theo Aristotle qua tác phẩm Nicomachean Ethics (Lý Luận Học) và John Stuarl Mill qua tác phẩm Utilitarianism (Thuyết Vị Lợi).

Đặt vấn đề

Tệ nạn ma túy là mối hiểm họa của nhiều gia đình, tổ chức xã hội và quốc gia. Bởi khi xã hội có nhiều người nghiện ngập ma túy và mắc những căn bệnh truyền nhiễm thế kỷ… ắt hẳn chất lượng cuộc sống của quốc gia đó sẽ bị suy giảm rất nhiều. Để một quốc gia và xã hội phát triển thịnh vượng, nhiều nhà lãnh đạo quốc gia đã đưa ra giải pháp để ngăn chặn tệ nạn ma túy bằng cách tử hình những người buôn bán và sử dụng ma túy. Chẳng hạn như, từ khi nhận chức tổng thống Philipines (2016) đến nay, với cuộc chiến chống ma túy, ông Duterte đã cho phép binh lính quốc gia sát hại trực tiếp những người nghiện và buôn bán ma túy, thậm chí cả những người bị tình nghi buôn bán ma túy. Được biện minh là giúp thăng tiến phúc lợi cho đất nước và an ninh quốc gia, như vậy, hành động của Duterte có đúng đắn về mặt đạo đức luân lý hay không, khi họ sát hại và tiêu diệt hàng nghìn người?[iv] Trong bài viết này chúng tôi sẽ giải quyết vấn nạn trên theo quan điểm về hạnh phúc của Aristotle và John Stuart Mill.

I.    HẠNH PHÚC THEO ARISTOTLE TRONG TÁC PHẨM NICOMACHEAN ETHICS

1.1 Định nghĩa về hạnh phúc theo Aristotle

Khi bàn về hạnh phúc trong Nicomachean Ethics, Aristotle (384-322 TCN) tập trung vào vấn đề nhân đức cá nhân; và để hiểu hơn về Nicomachean Ethics, thiết tưởng cần phải hiểu về thuật ngữ Telos mà Aristotle thường dùng. Telos (end) có nghĩa là cùng đích, kết quả của một điều gì đó được hoàn thành.[v] Chính Telos là cái cái căn cốt mà theo Aristotle, khi nghiên cứu một thứ gì đó, ta cần nghiên cứu về cái mô thể (form) của nó. Telos cũng được hiểu như là nguyên nhân mục đích của mọi thứ chuyển động.[vi] Nó sẽ làm cho một vật trở nên chính nó, như nó là, vì thế có thể hiểu Telos làm cho một vật từ ‘tiềm thể’ dần thành ‘hiện thể’. Vì thế, chính Telos cũng là căn nguyên, cội nguồn của ý niệm hạnh phúc theo quan điểm của Aristotle.

Thuật ngữ hạnh phúc trong tiếng Hy Lạp là eudaimonia, eu có nghĩa là tốt và daimon có nghĩa là thánh thiêng (holy) hay tinh thần (spirit).[vii] Theo Aristotle, eudaimonia là cùng đích cao nhất mà con người cần hướng đến, và hạnh phúc là mô thức không ngừng thúc đẩy con người chuyển động và hướng về cùng đích đó. Ông phân biệt giữa cùng đích tối thượng và thứ cấp. Chẳng hạn như: sức khỏe, tiền bạc, danh dự… chúng đều là những cùng đích thứ cấp vì chúng chỉ thăng tiến phúc lợi chứ không như chính hạnh phúc; cùng đích tối thượng, cao cấp đó là yếu tố mà Aristotle gọi là daimon (tinh thần). Cụ thể, ông phân tích như sau:

Số đông những người bình dân và một số ít có học thức đều quan niệm hạnh phúc giống với sống tốt (live well)làm tốt (do well) nhưng họ tranh cãi nhau về bản chất của hạnh phúc… Một vài người nói rằng hạnh phúc là điều gì đó mãnh liệt và hiển nhiên, như là vui thú hay sự giàu có hoặc danh tiếng và trên thực tế mỗi người một kiểu (NE, 1095a, 20-25).[viii]

Không đồng ý với một số quan điểm về hạnh phúc của các chủ nghĩa khoái lạc, duy ngã luân lý, hay chủ nghĩa tiến bộ… Aristotle quan niệm “hạnh phúc phải là cái gì đó tột cùng và mãn nguyện, là đích đến của tất cả mọi điều được làm và có thể được làm.”[ix] Đồng thời, Aritotle cho rằng “hạnh phúc là điều con người tìm kiếm và chọn lựa vì chính nó chứ không nhằm mục đích nào khác,”[x] và “hạnh phúc là cái mà chỉ cần nó sẽ khiến cho cuộc sống trở nên đáng khao khát và không thèm muốn điều gì khác nữa.”[xi] Không phủ nhận vai trò của hoan lạc (pleasure), Aristotle quan niệm hoan lạc là yếu tố cần thiết cho cuộc sống tốt nhất, nghĩa là hạnh phúc, thế nhưng, không phải hoan lạc là tất cả của hạnh phúc, nó chỉ là một phần thứ yếu của hạnh phúc.[xii]

Trong thực tế, khát vọng sở hữu hạnh phúc của con người là bất tận. Ví dụ, một sinh viên khao khát có được tấm bằng đại học sau bao năm miệt mài với đèn sách. Khi sở hữu tấm bằng đại học thì đó là niềm vui, hạnh phúc của họ. Thế nhưng, liền sau đó họ nhận ra tấm bằng kia chỉ đem lại cho họ hạnh phúc tạm thời, họ cần có một công việc tốt để kiếm được thật nhiều tiền và được bạn bè nể phục, như thế họ mới hạnh phúc. Rồi cảm giác hạnh phúc đó nhanh chóng qua đi, họ nghĩ rằng phải cưới được người mình yêu thương thì đó mới là hạnh phúc, khi cưới được người yêu, họ lại mong có con cái khỏe mạnh cho vui cửa vui nhà và đó mới là hạnh phúc… Khi có được vợ đẹp, con khôn… họ thấy bạn bè mình thành đạt với chức vụ cao sang và có xe chạy đời mới, du lịch, mua sắm kiêu sa, con cái bạn bè được học trường danh tiếng… khi đó, họ vội vã chạy theo bạn bè, vì lo sợ nếu không theo kịp bạn mình thì hạnh phúc hiện tại của họ chỉ tầm thường và nhỏ nhoi. Cứ thế, cuối cùng họ sống trong tâm thế ‘đứng núi này trông núi nọ’ và chẳng biết và cảm nhận hạnh phúc là gì.

Với thực trạng trên, nếu xét theo lý thuyết trong Nicomachean Ethics thì Aristotle cho rằng: “nếu cứ theo đuổi cái khát vọng vô tận, không có điểm dừng đó, thì mãi mãi con người sẽ sống trong bất mãn.”[xiii] Cho nên, ông quan niệm cùng đích hay hạnh phúc mà con người tìm kiếm gồm những yếu tố sau: thứ nhất, nó được theo đuổi vì lợi ích của chính nó; thứ hai, con người mong muốn những thứ khác vì lợi ích của nó; thứ ba, một người không mong muốn nó vì những lý do nào khác; thứ tư, nó là sự hoàn thiện, theo nghĩa nó luôn luôn xứng đáng được chọn và luôn được chọn lựa cho chính nó; và cuối cùng, cùng đích là sự tự đủ (self-sufficient), bởi vì sự hiện diện của nó đủ để tạo nên một cuộc sống không thiếu thứ gì.[xiv]

Bên cạnh đó, Aristotle thừa nhận hạnh phúc không chỉ là cùng đích nhưng còn là điều tốt nhất (the highest good).[xv] Khi đó, Telos và điều tốt nhất là một. Nghĩa là chọn lựa của con người hướng đến cùng đích là sự thiện tối cao, là điều tốt nhất. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là: giữa những chọn lựa làm sao biết cái nào là tốt nhất? Aristotle “không nhắm đến sự so sánh cao thấp theo nghĩa là cái tốt nhất có nhiều hơn những thứ khác xét về cấp độ.”[xvi] Cái tốt nhất ở đây không thể so sánh theo kích thước như con voi lớn hơn con gà và con gà lớn hơn con kiến. Vì thế, theo ông, không có cái tốt phổ quát,[xvii] vì mỗi cái tốt sẽ ở trong các phạm trù và lĩnh vực khác nhau.

Hơn nữa, Aristotle cũng quan niệm hạnh phúc là khi con người hoàn thiện chức năng của mình cách sung mãn nhất. Cũng như trên thân thể con người, mỗi bộ phận có một chức năng khác nhau. Khi các bộ phận làm tốt chức năng của mình thì cơ thể con người sẽ được hoạt động tốt. Bản chất con người (human nature) cũng tương tự như vậy. Theo Aristotle, có ba cấp độ hiện hữu của con người: một là cuộc sống thuần sinh dưỡng và phát triển; cấp độ thứ hai là cuộc sống có tri giác; và cấp độ cao nhất của con người là cấp độ của lý trí.[xviii] Chính cấp độ thứ ba, với lý trí thì con người cao cấp hơn các loài thực vật và động vật. Nhờ có lý trí hướng dẫn linh hồn mà con người hoạt động theo đúng chức năng của mình. Khi hoạt động theo đúng chức năng của mình thì người đó có đức hạnh (virtue), mà một người sống hạnh phúc khi và chỉ khi họ có đức hạnh.

1.2 Hạnh phúc khi sống đời chiêm nghiệm và thực hành đức hạnh

Khi bàn về đức hạnh, Aristotle cũng phân chia nó làm hai loại: đức hạnh trí tuệ (vertue of thought) đức hạnh đạo đức (virtue of character).[xix] Trong đó, đức hạnh trí tuệ bao gồm: khôn ngoan (wisdom), hiểu biết (comprehension), và tri thức thực tiễn (prudence); đức hạnh đạo đức gồm sự quảng đại (generosity) và tự chủ (temperance).[xx] Nhờ lý trí hướng dẫn, đức hạnh trí tuệ giúp con người có khả năng suy luận thực tiễn, phân biệt bản chất đúng sai của hành vi, cùng với đó, đức hạnh đạo đức là thói quen tốt và bền vững giúp mọi người thực hiện việc thiện hảo, tốt lành cách dễ dàng hơn. Ở đây, chúng ta thấy có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành một cách khôn ngoan.

Tuy nhiên, một câu hỏi được nêu lên là cung cách hành xử như thế nào sẽ được gọi là đức hạnh? Aristotle gọi sự đúng đắn của hành động để đạt tới đức hạnh đó là trung dung. Ví dụ, có rất nhiều nhân đức luân lý và ở nơi đó nét tính cách của thói quen tốt được thực hiện, chẳng hạn như: Lòng can đảm, quảng đại, trung thực và trung thành. Khi đó, lòng can đảm là trung dung giữa sự liều lĩnh và nhút nhát; trung dung của quảng đại là giữa keo kiệt và phung phí; hòa nhã là trung dung giữa nóng giận và nhu nhược…[xxi] Theo Aristotle, trung dung là khoảng cách đều từ hai thái cực,[xxii] và trong chọn lựa của con người thì trung dung luôn mang tính tương đối chứ không hoàn toàn chính xác theo tiêu chuẩn đo lường về chất và lượng. Vì vậy, để thực thi đức hạnh mọi người cần hướng đến trạng thái trung dung, nghĩa là không bất cập mà cũng chẳng thái quá, không thừa và cũng không thiếu...[xxiii]

Tóm lại, Aristotle phân chia hạnh phúc thành hai loại: hạnh phúc tối thượng khi con người sống đời chiêm nghiệm; hạnh phúc đệ nhị khi con người thực hành đức hạnh.[xxiv] Điều ông muốn nhấn mạnh là để đạt được hạnh phúc tối thượng con người cần vận dụng khả năng lý trí, mà đỉnh cao là sự chiêm nghiệm. Đồng thời, những hành động chiêm nghiệm và thực hành đức hạnh phải được con người thực hiện xuyên suốt cuộc đời mình, chứ không phải chỉ làm trong một thời gian nào đó.

Để giải quyết vấn đề được nêu ra ở phần trên về trường hợp của tổng thống Duterte trong chiến dịch phòng chống tội phạm ma túy, ta thấy những quan niệm về hạnh phúc của Aristotle mang đậm chiều kích hạnh phúc cá nhân hơn cộng đồng. Do đó, học thuyết về hạnh phúc của Aristotle vẫn chưa giải quyết được vấn đề của ông Duterte, có chăng là mỗi cá nhân cần hoàn thành tốt chức năng của mình, thực hành đức hạnh để trở thành những công dân tốt, mọi công dân tốt thì đất nước sẽ tốt đẹp, sẽ bình ổn. Chúng ta sẽ tìm thấy nơi học thuyết về hạnh phúc mang tính cộng đồng và phổ quát theo J.S. Mill trong tác phẩm Utilitarianism. Học thuyết về hạnh phúc của Mill sẽ được trình bày dưới đây và hy vọng nó sẽ giải quyết được vấn nạn phòng chống ma túy đẫm máu của ông Duterte.

II.   HẠNH PHÚC THEO JOHN STUARL MILL TRONG TÁC PHẨM UTILITARIANISM

2.1 Định nghĩa về hạnh phúc theo John Stuarl Mill

Ý niệm về hạnh phúc được tìm thấy trong tác phẩm Utilitarianism, John Stuarl Mill (1806-1873) đã định nghĩa nguyên lý vị lợi như sau:

Nguyên lý vị lợi hay còn được gọi là nguyên lý hạnh phúc lớn nhất xem tính vị lợi (utility) là nền tảng đạo đức. Học thuyết này cho rằng hành động được xem là đúng nếu nó có khuynh hướng thúc đẩy hạnh phúc và sai nếu nó có khuynh hướng tạo ra đau khổ (pain), là những điều trái ngược với hạnh phúc.[xxv]

Để thủ đắc hạnh phúc ta phải hành động đúng đắn, vậy hạnh động đúng là gì? Đối với Mill, một hành động đúng được hiểu là ‘đúng về mặt đạo đức’, từ hành động đúng đắn sẽ thúc đẩy hạnh phúc và loại trừ đau khổ, ngược lại, hành động sai trái khi nó giảm thiểu hạnh phúc và gia tăng đau khổ trong cuộc sống và đó chính là tính vị lợi. Hơn nữa, một hành động đúng đắn khi nó có niềm vui lớn hơn đau khổ. Mill cho rằng, nếu hành động đúng đắn không thể thực hiện được thì nó phải có “tổng nỗi đau thuần túy” (net pain)[xxvi] nhỏ nhất. Tuy nhiên, trong cuộc sống với nhiều vấn đề phức tạp về đạo đức và luân lý, không thể chỉ dựa vào thuyết vị lợi bằng cách tính tổng của hạnh phúc và đau khổ trong mỗi hạnh động phải quyết định. Trong thực tế, hạnh phúc còn phải xét đến nhiều yếu tố khác.

Với John Stuarl Mill, hạnh phúc phải đi kèm với hoan lạc. Vì theo ông, hạnh phúc là hoan lạc có chủ ý, là không đau khổ; còn ngược lại được gọi là bất hạnh.[xxvii] Thực tế, các triết gia vị lợi đã xem trọng các niềm vui, lạc thú tinh thần nhiều hơn so với những lạc thú thể xác.[xxviii] Đồng thời, hạnh phúc được quan niệm không phải là trạng thái hoan lạc tinh thần liên tục và tột độ, nhưng hạnh phúc trong thuyết vị lợi của Mill là một quá trình sống gồm những khoảnh khắc hạnh phúc từ khoái cảm vui thú đan xen với ít ỏi đau khổ tạm thời và đó là một cuộc sống chủ động và tích cực hơn là thụ động và tiêu cực.[xxix]

Khi bàn về hạnh phúc, Bentham đã đưa ra Hạnh Phúc Kế,[xxx] qua đó ông cho rằng hoan lạc và khổ đau có thể tính toán và đo lường được. Thế nhưng, Mill phủ định quan điểm trên của Bentham, vì không có cách nào để đo lường về khoái lạc hay đau khổ bằng đại lượng thời gian, cường độ hay không gian, kể cả về chất và lượng. Mill đề xuất “phương pháp chuyên gia”, nghĩa là dựa trên kinh nghiệm của những người đã từng trải qua lạc thú hay đau khổ đó. Cụ thể là xác định hạnh phúc dựa trên sự yêu thích của những người từng trải qua cả hai kinh nghiệm, nếu điều nào được nhiều người yêu thích hơn thì nó là hoan lạc có phẩm chất cao hơn.[xxxi] Tuy nhiên, trong thực tế với mỗi cá nhân có những bối cảnh sống khác nhau, đâu phải vấn đề nào họ cũng có thể đo lường bằng kinh nghiệm sống (lived experiences), đồng thời “tất cả hoan lạc hoặc đau khổ đều không có cái nào giống cái nào, và đau khổ luôn luôn khác với hoan lạc.”[xxxii]

Để biện minh cho quan điểm của mình, Mill cho rằng tiêu chí hạnh phúc lớn nhất trong thuyết vị lợi không phải là tìm hạnh phúc lớn nhất của chính tác nhân tạo ra hạnh phúc, nhưng là hạnh phúc lớn nhất của tổng thể những người liên quan. Do đó, việc đánh giá hạnh phúc đòi hỏi phải tuyệt đối vô tư “như một khán giả không thiên vị và rộng lượng.”[xxxiii]

Tuy nhiên trong thực tế, thuyết vị lợi của Mill gặp phải nhiều vấn đề cần phải suy xét, chẳng hạn như trong một vài trường hợp với ít ỏi thời gian để cá nhân hay tập thể suy xét, tính toán và cân nhắc kết quả của hành động, thậm chí họ không thể lường trước được hậu quả của hành động. Như vấn nạn nêu ra ở trên, cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của Tổng thống Duterte, có thể ông không lường trước được số người sẽ chết trong cuộc chiến trên. Với Duterte, ưu tiên là lợi ích chung.

Thế nhưng, Mill khẳng định, người ta không được giết người hàng loạt như vậy. Bởi vì, “nếu bất cứ ai cũng được phép giết một người nào đó mà anh ta tin rằng việc này sẽ giúp thế giới tốt đẹp hơn, lúc đó, mạng sống của bất kỳ ai trên thế giới này cũng sẽ không được an toàn”.[xxxiv] Khi đó, không hẳn là một chính sách giúp thắng tiến phúc lợi và an ninh cho quốc gia, nhưng đúng hơn đó là một cuộc thảm sát, một cuộc thanh trừng đầy tính thảm họa. Thiết tưởng, cần đến một nguyên tắc đạo đức mang tính phổ quát và tất yếu để áp dụng và xử lý cho mọi trường hợp cần thiết trong xã hội.

2.2 Nguyên tắc đạo đức (moral rule)

Khi bàn về nguyên tắc đạo đức, Mill đã phát biểu:

“Trong suốt lịch sử loài người, bằng sự trải nghiệm, con người đã nắm bắt được những khuynh hướng (tendencies) của các hành động khác nhau. Do đó, đến thời điểm hiện tại, con người phải đạt được niềm tin về tác động của các hành động lên hạnh phúc của họ; và đúc kết những kinh nghiệm khôn ngoan này thành những nguyên tắc đạo đức (moral rules) cụ thể để lưu truyền trong xã hội của mình. Vì thế, người ta chỉ cần tuân thủ những nguyên tắc như vậy cho đến khi họ tìm ra được một nguyên tắc nào đó tốt hơn.”[xxxv]

 

Thật vậy, Mill luôn khẳng định rằng, trên nền tảng của thuyết vị lợi thì nguyên tắc đạo đức sẽ giúp thăng tiến hạnh phúc. Dĩ nhiên, theo Mill, “không có bất cứ hệ thống đạo đức nào mà không có những mâu thuẫn giữa các nghĩa vụ đạo đức trong nó”.[xxxvi] Do đó, các nguyên tắc đạo đức cần phải tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ nhưng cũng cần phải cải thiện không ngừng cho hợp với bối cảnh của thời đại.

Đồng thời Mill cũng cho rằng, các nguyên tắc đạo đức giúp thăng tiến hạnh phúc khi thực hiện các chức năng của mình: (1) giúp thăng tiến hạnh phúc bằng cách bảo vệ tuyệt đối các quyền đạo đức của con người; (2) giúp thăng tiến hạnh phúc bằng cách điều phối các hành vi xã hội và củng cố các đòi buộc hợp pháp; (3) giúp thăng tiến hạnh phúc bằng cách phổ biến và xã hội hóa các nguyên lý vị lợi; (4) giúp thăng tiến hạnh phúc bằng những hướng dẫn đạo đức được đúc kết từ những kinh nghiệm khôn ngoan của các quyết định vị lợi trong quá khứ. Do đó, Mill khuyên rằng: “Vì thế, người ta chỉ cần tuân thủ những nguyên tắc như vậy cho đến khi họ tìm ra được một nguyên tắc nào đó tốt hơn.”[xxxvii]

2.3 Yếu tố hoan lạc trong trong hạnh phúc

“Một cuộc sống càng ít đau khổ càng tốt, đồng thời càng đa dạng và phong phú về hoan lạc càng tốt, cả về phương diện số lượng lẫn phẩm chất.”[xxxviii] Mill không đồng ý với Bentham về tính định lượng của hoan lạc để tạo ra hạnh phúc, ông thay quan điểm đó bằng định tính của mình. Mill phân biệt về phẩm tính của các loại hoan lạc, chẳng hạn như hoan lạc về thể xác thì thấp cấp hơn hoan lạc về tinh thần.[xxxix] Những ham muốn hạ cấp như những loài động vật không thể xứng tầm và đủ lượng cho con người hạnh phúc.[xl]

Tuy nhiên, Mill cũng không phủ nhận những hoan lạc có nguồn gốc từ bản chất động vật, đôi khi chúng được ưu tiên hơn những hoan lạc xuất phát từ quan năng đặc trưng cao hơn của con người trong một vài trường hợp liên quan đến “cường độ của các hoan lạc bậc thấp.” [xli] Chẳng hạn, một công nhân cắt lúa cả ngày ngoài đồng dưới trời nắng nóng, khi về nhà, anh ta sẽ thèm khát một ly nước chanh đường mát lạnh hơn là ngay lập tức đi nghe thuyết pháp ở chùa.

Thế nhưng, dù sao đi nữa, Mill vẫn đề cao những hoan lạc tinh thần được xuất phát từ quan năng cao cấp mà nó xứng đáng với phẩm giá của con người. Mill cho rằng: “ở những con người có ý thức về phẩm giá, thì phẩm giá là điều hết sức quan trọng đối với hạnh phúc của họ đến nỗi không gì đối lập với nó có thể trở thành đối tượng, mục tiêu của khao khát, cho dù chỉ trong khoảnh khắc.”[xlii] Thật vậy, hạnh phúc không phải là những ý tưởng trừu tượng, nhưng là một tổng thể cụ thể; và những khát khao nói trên là những hợp phần của nó.[xliii] Tuy nhiên, theo Mill, những khát khao về tiền bạc, danh vọng và quyền lực đến một mức nào đó thì nó có khả năng gây hại hơn là thúc đẩy hạnh phúc.[xliv]­ ­Thực sự, tiền bạc, danh vọng và quyền lực chỉ là phương tiện để giúp con người đạt được hạnh phúc, chứ chúng không phải là hạnh phúc đích thực. Chính hạnh phúc đích thực là điều đáng để con người khao khát.

Trong thực tế, thật khó khăn để đưa ra một kết quả lượng định chính xác về chất và lượng của một niềm hoan lạc mà một người trải qua. Chẳng hạn như, niềm vui vừa mua được chiếc điện thoại mới khác hẳn với niềm vui, thở phào nhẹ nhõm khi vừa thoát chết trong tai nạn giao thông; cảm giác phấn khởi, hân hoan khi dạo chơi trên bãi biển khác hẳn với lúc trúng số độc đắc… Mỗi trường hợp sẽ có một trải nghiệm hoan lạc khác nhau về định tính và định lượng. Sẽ là điều bất khả thể khi so sánh hoan lạc này lớn hoan hoan lạc kia chính xác là bao nhiêu đơn vị.

Tóm lại, theo Mill thì hạnh phúc là hoan lạc có chủ đích và không có đau khổ. Những hoan lạc được khao khát thì có giá trị phụ thuộc vào: cường độ, thời lượng và chất lượng. Hạnh phúc chính là mục đích, tiêu chí của đạo đức, bởi vì mọi hành động đạo đức cũng chỉ để nhằm thăng tiến hạnh phúc như là ý nghĩa tối hậu của đời sống con người.

III. ĐIỂM GIỐNG VÀ KHÁC NHAU TRONG QUAN ĐIỂM HẠNH PHÚC CỦA ARISTOTLE VÀ JOHN STUARL MILL

3.1 Yếu tố đức hạnh và hoan lạc trong hạnh phúc

Ta thấy khi so sánh về quan điểm hạnh phúc giữa Aristotle và Mill là tương cận nhau. Cả hai triết gia này đều tin rằng hạnh phúc có những mục đích theo đuổi vì chính nó. Với Aristotle, hạnh phúc là một tiến trình đạt tới eudaimonia và đức hạnh luân lý với những hành vi trung dung là điều kiện cần thiết cho cùng đích phải đạt được. Đang khi đó, Mill quan niệm về hạnh phúc với các thành phần đa dạng, và bản thân mỗi thành phần đều đáng mong muốn chứ không chỉ đơn thuần khi được coi là một tổng hợp.[xlv] Tuy nhiên, cả Aristotle và Mill đều tin rằng đức hạnh có liên quan đáng kể đến hạnh phúc.[xlvi]

Aristotle cho rằng hạnh phúc nhất thiết phải bao gồm đức hạnh, bởi đức hạnh như kim chỉ nam giúp người ta đi đúng đường hướng tới hạnh phúc. Nhưng, với Mill, ông xem đức hạnh được mong muốn như mục đích riêng của nó, và đức hạnh mang giá trị nội tại, nghĩa là đức hạnh chỉ là một phần của hạnh phúc.

Một khía cạnh khác của hạnh phúc đó là hoan lạc (pleasure), Mill tin hoan lạc và vắng bóng đau khổ chính là hạnh phúc, nhưng Aristotle cho rằng hạnh phúc là thực hành đức hạnh, chính hạnh phúc là cùng đích tốt hậu của đời sống con người. Cùng với đó, Mill thừa nhận kinh nghiệm về hạnh phúc có được khi và chỉ khi người ta trải qua hoan lạc. Nhưng, Aristotle tin rằng qua quá trình học tập và thực hành đức hạnh, người ta sẽ hành động đúng đắn và đạt được hạnh phúc. Với Mill, hạnh phúc liên quan đến hoan lạc của một số đám đông người đã từng trải qua sự kiện, công việc, và chọn lựa đó, đồng thời hạnh phúc là ở đây và ngay bây giờ (here and now). Nhưng, Aristotle khẳng định hoan lạc là yếu tố tạm thời của hạnh phúc mà thôi, hạnh phúc thực khi người ta sống đời chiêm niệm bằng cách vận dụng lý trí, và thực hành đức hạnh.

Theo Mill thì hoan lạc gắn liền với hạnh phúc và loại trừ đau khổ là nguyên nhân không có niềm vui và hạnh phúc. Trong khi đó, Aristotle có cái nhìn phổ quát hơn khi nhấn mạnh tới sự huấn luyện của lý trí để kiểm soát các hoan lạc cách chính đáng, bởi chúng chỉ là phần thứ yếu của hạnh phúc. Nếu như cái nhìn mang tính đào luyện ý chí của Aristotle hướng đến chiều kích cá nhân thì nguyên tắc lý trí thực hành của Mill đậm chất “thúc đẩy hạnh phúc tối đa cho xã hội.”[xlvii] Cả hai cùng dựa trên nền tảng lý trí dù nó thuộc cấp độ cá nhân hay cộng đồng.

Cả Mill và Aristotle đều đặt vấn đề về việc con người dễ có khuynh chiều, theo đuổi những đam mê, hoan lạc hạ cấp (lower pleasures), dù có thể họ biết rằng con người cần xứng với những gì cao quý hơn. Cụ thể, Aristotle cho rằng: “theo khuynh hướng tự nhiên, những niềm vui thể xác được theo đuổi vì khuynh hướng đó thường làm người ta thấy thoải mái, dễ chịu và không phải hy sinh, cố gắng nhiều.”[xlviii] Người ta dễ dàng thuận theo bản năng và nghiện những vui thú hạ cấp hơn là vươn đến lý tưởng cao đẹp của những hoan lạc thượng cấp (higher pleasures). Mill quan niệm rằng, chính bởi ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, bối cảnh xã hội nên người ta dễ khuynh chiều mình vào những thú vui hạ cấp hơn là kinh qua những hoan lạc thượng cấp. Cả Mill và Aristotle đều đồng ý là: người nào dấn thân vào niềm vui hạ cấp và nghiện nó thì khó có khả năng tìm ra và tận hưởng những niềm vui thượng cấp, những điều cao quý hơn.[xlix]

3.2 Lý trí trong hạnh phúc

Đối với Mill, yếu tố lý trí cũng quan trọng khi quan niệm về hạnh phúc, nhưng ông nhấn mạnh đến vai trò của những cơ năng cao hơn (higher faculties). Chẳng hạn như sự thông minh, trí tưởng tượng… theo đuổi hoan lạc thượng cấp và dự tính kết quả của hành động sẽ xảy ra, người ta đều cần vận dụng khả năng lý trí. Đối lại, Aristotle đề cao việc dùng lý trí để sống đời chiêm niệm và thực hành đức hạnh qua hành vi chọn lựa với thái độ trung dung. Chẳng hạn như thực hành các nhân đức trụ: khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ. Do đó, ta nhận thấy hạnh phúc của Mill liên quan nhiều đến xúc cảm, đang khi đó, hạnh phúc của Aristotle là hành động của tâm hồn phù hợp với sự hướng dẫn của lý trí. Cuối cùng, ta thấy rằng, Mill đưa ra quan điểm về hạnh phúc của mình là dựa trên cảm giác thực tế ở đây và ngay bây giờ, và tập trung vào kết quả hành động, còn Aristotle chú trọng vào việc trau giồi đức hạnh và nhân cách hơn.

Mill quan niệm về điều tốt và điều xấu (good and bad) là khi hành động làm ta thấy hoan lạc và gia tăng hạnh phúc đó là hành động tốt, ngược lại, nếu hành động có khuynh hướng tạo ra đau khổ thì tự bản thân nó là hành động xấu. Aristotle quan niệm khi người ta thực hành nhân đức thì hành động đó là tốt, ngược lại, sự xấu xa là vì người ta hành động ngược lại đức hạnh, ngược lại với sự hướng dẫn của lý trí. Ở đây, ta thấy lập luận của Aristotle chưa thuyết phục hoàn toàn khi ông không giải thích cụ thể thế nào là hành động tốt nhất, và sự sai lầm của lý trí, cụ thể là ông đã cho phép người có đạo đức phạm sai lầm (miễn là không có hậu quả quá lơn), và họ vẫn có thể có nhân cách đạo đức tốt.[l]

3.3 Hạnh phúc là cùng đích tối hậu của đời sống con người

Đối tượng của hạnh phúc mà Mill nhắm đến là những đối tượng từ cá nhân đến phổ quát, đặc biệt là ông quan tâm và bảo vệ những tầng lớp nô lệ, không có quyền lợi, bị áp bức… do đó, ông kiên quyết khẳng định là không nên tập trung quyền lực vào một số đám đông nào đó trong xã hội, trong đất nước. Nhưng, Aristotle nhắm đến đối tượng của hạnh phúc là mỗi cá nhân, khi họ thực hiện đúng chức năng của mình thì xã hội và đất nước sẽ được bình ổn, hạnh phúc hơn. Hạnh phúc mà Aristotle nhắm đến là hạnh phúc lâu dài và bền vững. Trong khi đó, hạnh phúc của Mill đề cao tính tạm thời, hiện tại ở đây và lúc này.

Cũng như Aristotle, Mill luôn khẳng định hạnh phúc là điều duy nhất đáng để con người khao khát. Tuy nhiên, lập luận đó đã bị nhiều người phê bình vì nó quá phổ quát nên vi phạm lỗi ngụy biện và thiếu logic. Nhưng với Aristotle ông xác định hạnh phúc như là “Telos” cái cùng đích của đời người, còn với Mill, cách thức chứng minh, nghiên cứu ông là nại đến việc xem xét tâm lý của con người bằng cách phân tích nội quan về khao khát của từng cá nhân qua kinh nghiệm từng trải của họ. Bên cạnh đó, thuyết vị lợi của Mill còn gặp những phê bình, chỉ trích khác như là nó có thể “hợp thức hóa những hành động tội ác thành những hành động tốt và có đạo đức, miễn là những hành động đó dẫn đến sự gia tăng lợi ích hoặc niềm vui cho số đông.”[li] Chẳng hạn như, tổng thống Truman của Mỹ đã quyết định thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, sau khi ông cùng ban cố vấn suy xét lợi ích cuộc chiến Mỹ - Nhật dựa trên thuyết vị lợi của Mill.[lii]

Để giải quyết vấn đề đặt ra ở đâu bài, đó là cuộc chiến chống ma túy đẫm máu của tống thống Duterte. Vấn đề này được làm rõ khi quy chiếu với thuyết vị lợi của Mill. Thực tế, nếu xét về lợi ích của đám đông, có nhiều người cho rằng thuyết vị lợi của Mill sẽ đi ngược lại nguyên tắc công lý, và sẽ có nhiều người bị đối xử bất công. Thậm chí, chủ nghĩa vị lợi bị cáo buộc xem nhẹ quyền cá nhân để ủng hộ ‘sự chuyên chế của đa số’ (tyranny of the majority). Nghĩa là tập trung quyền lợi của số đông, bất chấp một số cá nhân có thể bị chà đạp, loại trừ hoặc hủy diệt.

Tuy nhiên, Mill nhấn mạnh rằng: “Vì lý do đạo đức, có những điều người ta phải từ chối thực hiện cho dù hành động đó có thể mang lại lợi ích lớn lao trong một trường hợp cụ thể. Một cá nhân có lý trí phải nhận ra rằng đây là những loại hành động, mà nếu được thực hiện một cách phổ quát thì sẽ gây ra tác hại phổ quát. Đây chính là nền tảng luân lý cho nghĩa vụ không được thực hiện nó.”[liii]

Sau cùng, Mill nhấn mạnh rằng quyền đạo đức (moral right) của con người phải được bảo vệ tuyệt đối và không phụ thuộc vào tính toán vị lợi; và tôn trọng các quyền đạo đức cũng nhằm để đạt đến hạnh phúc tối thượng cho cá nhân cũng như cộng đồng và giảm thiểu đau khổ không đáng có. Chính những kinh nghiệm trong quá khứ sẽ giúp người ta hiểu và sống các nguyên tắc đạo đức và cải thiện những hệ thống lỗi thời.

Tựu trung, học thuyết đạo đức về hạnh phúc của Aristotle và thuyết vị lợi của Miil tuy có nhiều khác biết nhưng chúng đều hướng đến sự thống nhất. Dù rằng hạnh phúc của Mill nhấn mạnh đến vui thú và hạnh phúc của Aristotle nhắm đến thực hành đức hạnh và sống đời chiêm nghiệm bằng lý trí, nhưng cả hai đều giúp thăng tiến hạnh phúc của đời sống cộng đồng và từng cá nhân riêng lẻ.

Một Vài Suy Tư Cá Nhân

            Trước hết, theo quan điểm cá nhân, tác giả bài viết này không đồng ý với Mill khi cho rằng hạnh phúc là gia tăng hoan lạc và giảm thiểu tối đa đau khổ. Trong thực tế, đối diện với đau khổ mỗi người sẽ có những thái độ khác nhau, có rất nhiều người chịu đau khổ nhưng họ vẫn cảm thấy hạnh phúc. Chẳng hạn như, cha mẹ chịu cực, chịu khổ, dầm mưa giãi nắng để lao động vất vả, kiếm tiền nuôi con cái ăn học thành tài, thành người con ngoan, giúp ích cho xã hội, đất nước… thậm chí nhiều người đã lâm cảnh bạo bệnh và sống trong đau khổ… thế nhưng, họ cảm thấy những gian khổ họ chịu chính là hạnh phúc, bởi vì họ đã chu toàn bổn phận của mình là dưỡng dục con cái. Hay như những người lính cứu hỏa, cứu hộ, họ liều mình lao vào ngọn lửa dữ, chui xuống lòng đất, băng qua lằn tên mũi đạn với bao nguy hiểm, hoặc giữa dòng thác lũ cuồn cuồn… họ vẫn chịu đau đớn thể xác để cứu người khác, chỉ vì tình thương yêu đồng loại. Với hành động đó, họ cảm thấy hạnh phúc dù rằng họ có đau khổ xảy đến, thậm chí là mất mạng.

            Thứ đến, tác giả bài viết này cảm nhận thấy định nghĩa về hạnh phúc của Aristitle gần gũi và dễ thi hành hơn là định nghĩa về hạnh phúc của Mill. Với khuôn mẫu của Aristotle, người ta sẽ dễ dàng thực hiện đạo đức nhân đức cá nhân để tìm kiếm hạnh phúc dưới sự hướng dẫn của lý trí. Trong khi đó, định nghĩa của Mill về hạnh phúc dựa trên thuyết vị lợi, và tập trung trọng yếu vào tính hữu ích xét như nền tảng của các giá trị. Thế nhưng trong cuộc sống, có những thứ có giá trị với người này, nhưng lại vô giá trị với người khác. Bên cạnh đó, thật khó lòng để lường trước được những nguyên nhân, kết quả của hành động như Mill gợi ý. Bởi vì đâu phải ai cũng tính toán giỏi, đo lường được điều nào sẽ mang lại hoan lạc lớn nhất. Đây là nhiệm vụ khó khăn không chỉ dành riêng cho một số ít người nào đó.

Dĩ nhiên, sẽ còn nhiều tranh cãi về quan niệm hạnh phúc theo Aristolte và J.S. Mill, chẳng hạn như thánh Tôma Aquinô cho là hạnh phúc của Aristole chỉ theo đuổi việc hoàn thiện chức năng, khả năng tự nhiên của con người thôi thì vẫn chưa đủ vươn tới hạnh phúc hoàn hảo. Hoặc như thuyết vị lợi của Mill cũng bị G. E. Moore và Bertrand Russell phê bình chỉ trích, phê bình về lỗi lập luận thiếu logic,[liv] và Henry Sidgwick cho rằng Mill đã phạm phải lỗi ngụy biện tổng thể (fallacy of composition).[lv] Tuy nhiên, học thuyết đạo đức về hạnh phúc của Aristotle và Mill luôn từ hạnh phúc cá nhân gắn liền với lợi ích tập thể. Đích thực thì nguyên lý vị lợi của Mill không nhằm đến hợp thức hóa hành động xấu xa, nhưng luôn tôn trọng quyền đạo đức (moral rights) của mỗi cá nhân.

            Cho đến nay, không thiếu những phê phán về quan niệm hạnh phúc của Aristotle và Mill, nhưng phần đa mọi người đều thừa nhận và cảm thấy biết ơn vì những lợi ích mà chủ thuyết đạo đức trong Nicomachean Ethics Utilitarianism mang lại. Đó là chúng thúc đẩy hạnh phúc từ cá nhân đến toàn thể nhân loại. Dĩ nhiên, học thuyết nào cũng có những bất hảo, và những lỗ hổng của nó, như Mill đã từng thừa nhận: học thuyết vị lợi của mình là một học thuyết sống động,[lvi] và cần cải thiện, cập nhật không ngừng theo bối cảnh và xu hướng của thời đại.

            Trong thực tế, xã hội hiện đại ngày càng phát triển kéo theo nhiều vấn đề về đạo đức, luân lý của con người cũng phức tạp theo. Do đó, để thăng tiến hạnh phúc phổ quát cho cá nhân, tập thể, cộng đồng… thiết tưởng các cấp lãnh ở mỗi tổ chức xã hội cần áp dụng triệt để một nguyên tắc đạo đức nào đó để bảo vệ quyền đạo đức cá nhân của con người cũng như nâng cao ý thức đạo đức chung.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Tài liệu tham khảo

Aquinô Tôma, Tổng Luận Thần Học, quyền II, phần 1, tập 3, Trần Ngọc Châu chuyển ngữ. Sum. Theol. I, q 2 ad1.

Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành. Dịch bởi Bùi Văn Nam Sơn. Hà Nội: Tri Thức, 2006.

Gabriel Riachardson Lear, Happy Lives and the Hightest Good: An Essay on Aristotle’s Nicomachean Ethics (New Jersey: Princeton University Press).

J. Barnes, ed, The Complete Works of Aristotle, Volumes I and II (Princeton: Princeton University Press, 1984).

Richard Kraut, “Aristotle’s Ethics”, Standford Encyclopedia of Philosophy, Edward N. Zalta & Uri Nodelman (eds.), asscessed 28 August 2023, https://plato.stanford.edu/archives/fall2022/entries/aristotle-ethics/>.

Aristotle, Nicomachean Ethics, Second Edition, trans. Terence Irwin (Hackett Publishing Company, Inc., 1999).

Christopher Shield, “Aristtotle”, Stanford Encyclopedia of Philosophy, accessed 30 Aug 2023, https://plato.stanford.edu/entries/aristotle/

Aristotle, Nicomachen Ethics, trans. Christopher Rowe, intro. And com. Sarah Broadie (Oxford University Press, 2002).

Samuel Enoch Stumpf,  Lịch sử triết học và các luận đề, Dịch giả Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy, Hồ Chí Minh: NXB Lao Động, 2004.

Mill, John Stuart. Utilitarianism. Auckland: The Floating Press, 1879.

Mill, John Stuart. “Autobiography.” Collected Works of John Stuart Mill vol. I, ed. John M. Robson, 56-346. Toronto: University of Toronto Press, 1972.

Mark Dimmock, Andrew Fisher. Ethics for A-Level. Cambridge: Open Book Publishers, 2017.

Mill, John Stuart. “Whewell on Moral Philosophy.” Collected Works of John Stuart Mill, ed. J. M. Robson, 165-201. Toronto: University of Toronto Press, 1852.

Rose Suneson, “Connections between Mill and Aristotle: Happiness and Pleasure”, Aporia Vol.28, No. 1, 2018.

Christopher Macleod, “John Stuart Mill: 4.3 Morality”, Stanford ncyclopedia of Philosophy, accessed 30 Aug 2023, https://plato.stanford.edu/entries/mill/#Mora

Miltner, Charles C. The Elements of Ethics. New York: Macmillan, 1947

Aron, Raymond. “Half-century of Limited War?”. Bulletin of the Atomic Scientists (1956): 99-104.

Moore, G. E. Principia Ethica. Cambridge: Cambridge University Press, 1992.

Sidgwick, Henry. The Methods of Ethics. London: Macmillan, 1970.



[i] Aquinô Tôma, Tổng Luận Thần Học, quyền II, phần 1, tập 3, Trần Ngọc Châu chuyển ngữ. Sum. Theol. I, q 2 ad1.

[ii] Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học, Q. II, 1,1, 97.

[iii] Immanuel Kant, Phê phán lý tính thực hành. Dịch bởi Bùi Văn Nam Sơn. Hà Nội: Tri Thức, 2006. A54

[iv] Tổng thống Duterte, sau khi ông lên làm tổng thống Philipines vào ngày 5 tháng 5 năm 2016, ông đã cho phép các đội dân phòng “giết ngay tại chỗ” các đối tượng tội phạm ma túy (bao gồm những người buôn bán và nghiện ngập ma túy). Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi ông Duterte lên làm Tổng thống Philippines, đã có ít nhất 700 người bị giết chết, theo thống kê của mạng tin tức lớn nhất Philippines ABS CBN News, vào ngày 14.6.2021, theo Hãng tin Reuters, hơn 6.000 người được cho đã bị cảnh sát giết chết trong chiến dịch chống ma túy của Duterte.

[v] Gabriel Riachardson Lear, Happy Lives and the Hightest Good: An Essay on Aristotle’s Nicomachean Ethics (New Jersey: Princeton University Press), 11.

[vi] J. Barnes, ed, The Complete Works of Aristotle, Volumes I and II (Princeton: Princeton University Press, 1984), 754.

[vii] Richard Kraut, “Aristotle’s Ethics”, Standford Encyclopedia of Philosophy, Edward N. Zalta & Uri Nodelman (eds.), asscessed 28 August 2023, https://plato.stanford.edu/archives/fall2022/entries/aristotle-ethics/>.

[viii] Aristotle, Nicomachean Ethics, Second Edition, trans. Terence Irwin (Hackett Publishing Company, Inc., 1999), 20-25.

[ix] Ibid, 20-25.

[x] Ibid, 5.

[xi] Ibid, 20.

[xii] Ibid, 6-15.

[xiii] Ibid, 19.

[xiv] Christopher Shield, “Aristtotle”, Stanford Encyclopedia of Philosophy, accessed 30 Aug 2023, https://plato.stanford.edu/entries/aristotle/

[xv] Aristotle, Nicomachean Ethics, Second Edition, trans. Terence Irwin (Hackett Publishing Company, Inc., 1999), 20-21.

[xvi] Aristotle, Nicomachen Ethics, trans. Christopher Rowe, intro. And com. Sarah Broadie (Oxford University Press, 2002), 9.

[xvii] Aristotle, Nicomachean Ethics, Second Edition, trans. Terence Irwin (Hackett Publishing Company, Inc., 1999), 20-30.

[xviii] Ibid, 1-2.

[xix] Ibid, 6.

[xx] Ibid, 7.

[xxi] Ibid, 10.

[xxii] Ibid, 26-30.

[xxiii] Ibid, 4.

[xxiv] Ibid, 5-10.

[xxvi] Nỗi đau thuần túy (net pain) có thể được hiểu nôm na là nỗi đau còn lại sau khi đã trừ đi hạnh phúc. Ví dụ, giả sử một hành động có “mức độ đau” là -7 và mức độ hạnh phúc” là +5. Sau khi tổng kết (-7+5), nỗi đau thuần túy còn lại là -2.

[xxvii] John Stuart Mill, Utilitarianism, 14.

[xxviii] Ibid., 16.

[xxix] John Stuart Mill, Utilitarianism, 24-25.

[xxx] M. Dimmock & A. Fisher, Ethics for A-Level (Cambridge: Open Book Publishers, 2017), 15-16.

[xxxi] John Stuart Mill, Utilitarianism, 21.

[xxxii] Ibid, 21.

[xxxiii] Ibid, 31-32.

[xxxiv] John Stuart Mill, “Whewell on moral philosophy,” Collected Works of John Stuart Mill vol. X, ed. John M. Robson (Toronto: University of Toronto Press, 1972), 181-182.

[xxxv] John Stuart Mill, Utilitarianism, 42-43.

[xxxvi] John Stuart Mill, Utilitarianism, 45-46.

[xxxvii] Ibid, 42-43.

[xxxviii] Ibid., 22.

[xxxix] Ibid, 16.

[xli] Ibid, 21.

[xlii] Ibid., 18.

[xliii] Ibid 20.

[xliv] Ibid., 69.

[xlv] Rose Suneson, “Connections between Mill and Aristotle: Happiness and Pleasure”, Aporia Vol.28, No. 1, 2018.

[xlvi] Ibid,

[xlvii] Christopher Macleod, “John Stuart Mill: 4.3 Morality”, Stanford ncyclopedia of Philosophy, accessed 30 Aug 2023, https://plato.stanford.edu/entries/mill/#Mora

[xlviii] Ibid, 205-206.

[xlix] Ibid, 206 and, John Stuart Mill, Utilitarianism, 58.

[l] Aristotle, Nicomachean Ethics, Second Edition, trans. Terence Irwin (Hackett Publishing Company, Inc., 1999), 51

[li] Charles C. Miltner, The Elements of Ethics (New York: Macmillan, 1949), 100-101.

[lii] Raymond Aron, “Half-century of Limited War?”, Bulletin of the Atomic Scientists (1956), 99-104.

[liii] Ibid., 35.

[liv] G. E. Moore, 67.

[lv] Henry Sidgwick, The Methods of Ethics (London: Macmillan, 1907), 388.

[lvi] Mark Dimmock and Andrew Fisher. Ethics for A-Level. Cambridge: Open Book Publishers, 2017, 26.

0 Comments: