Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Hiểu hơn về triết học đạo đức của Immanuel Kant

 

Hiểu hơn về triết học đạo đức của Immanuel Kant

Minh Đức, S.J.



Dẫn nhập

Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi. Tôi không phải đi tìm chúng hay phỏng đoán về chúng như thể chúng giấu mình trong bóng tối hay ở một nơi cao vời bên ngoài chân trời của tôi, trái lại, tôi nhìn thấy chúng trước mắt mình và nối kết chúng một cách trực tiếp với ý thức về sự hiện hữu của tôi.[i]

Những dòng chữ sâu sắc và tuyệt vời trên đã được ghi khắc trên bia mộ của triết gia lỗi lạc Immanuel Kant (1724-1804). Đó như là lá thư tâm huyết của ông để lại cho hậu thế. Trong đó, Kant ngụ ý “bầu trời đầy sao” tựa như nhận thức của con người về tri thức nhân loại là bao la, bát ngát; “quy luật luân lý” với ý nói về những quy tắc thực hành khởi phát từ nội tại. Cả hai điều đó tựa như đôi cánh chim mà ta có thể ví von ‘chim trời tung cánh bên trên, một bên lý thuyết, một bên thực hành. Phận người lắm lúc mong manh, đức hạnh luân lý chữa lành tâm can.’ Thực tế, ‘đôi cánh chim’ (nhận thức và thực hành) đó sẽ nâng đỡ phận người không chỉ trên đoạn đường đời hy vọng nhưng còn hướng người ta đến trách vụ của hiện hữu mình với các tại thể khác trong thế giới này.

So sánh giữa Lý tính thuần tuý và Lý tính thực hành, ta thấy trong quyển một, Phê phán lý tính thuần tuý, Kant đã cho rằng: Lý trí lý thuyết hướng dẫn niềm tin, nhắm vào chân lý. Khi nó được sử dụng hợp pháp, Kant gọi là giác tính/trí hiểu (understanding); còn khi sử dụng bất hợp pháp, Kant gọi là lý tính thuần tuý (pure reason). Cùng với đó, giác tính (understanding) hoạt động (issues) trong việc đưa ra các phán đoán (các hành vi trí tuệ, vốn có thể đúng hoặc sai). Bên cạnh đó, ở quyển hai, Phê phán lý tính thực hành, Kant quan niệm: Lý trí thực hành (practical reason) hướng dẫn hành động, nhắm vào sự đúng đắn (phải là -Sollen). Nó hoạt động trong việc đưa ra các mệnh lệnh (imperatives), vốn có thể được tuân thủ (chủ thể hành động). Do đó, lý trí thực hành bao hàm việc biện minh cho các mệnh lệnh, [vấn đề là cần xác định và xác nhận một khái niệm về tính khách quan, cái sẽ áp dụng cho những mệnh lệnh đó và tạo ra một hệ thống đạo đức dễ nhận biết].

Thực tế, Lý tính thuần tuý đặt ra mục tiêu hạn chế những giả thuyết suy đoán siêu hình của lý tính, đồng thời thiết lập một cách tiên nghiệm những nguyên tắc phải được giả định trong tri thức về một trật tự khách quan. Triết học lý thuyết nghiên cứu việc ban bố quy luật cho Tự nhiên bởi các khái niệm thuần túy (các phạm trù) của giác tính trong phạm vi kinh nghiệm. Đang khi đó, Lý tính thực hành, không chỉ nhằm khám phá một cách dứt điểm toàn bộ câu hỏi về tính khách quan của phán đoán đạo đức và thẩm mỹ, mà còn – qua lý thuyết lý trí thực hành - cố gắng phục hồi một số giáo điều siêu hình quan trọng mà lý trí lý thuyết (theoretical reason) không thể được biện minh. Triết học thực hành nghiên cứu việc ban bố quy luật bởi các khái niệm về Tự do của lý tính thuần túy, và trong  lĩnh vực luân lý và pháp quyền, lý tính còn có thể tự ban bố quy luật cho chính mình.

Trong cuốn Phê phán lý tính thực hành, có thể thấy Kant đã từng bước đi sâu vào mỗi vấn đề để mổ xẻ, làm rõ các quy luật ngang qua các định lý, cùng xác lập cơ sở luân lý cách rõ ràng. Trước hết, ông khởi sự bằng 8 định lý để xác lập bản tính của nguyên tắc thực hành khác quan. Bước hai, Kant xác lập cơ sở cho quy luật luân lý trong tự do và mối quan hệ của nó với Tính Tự Trị và Mệnh Lệnh Nhất Quyết. Bước ba, Kant diễn dịch về các nguyên tắc dựa vào nhân quả của quy luật luân lý trong một thế giới khả niệm (tính nhân quả bằng Tự Do). Bước bốn, ông bàn luận “Điển hình luận của Năng Lực Phán Đoán Thuần Túy Thực Hành” (bàn về thuyết niệm thức như trong PPLTTT). Sau cùng, ông trình bày động cơ của Lý tính thuần tuý thực hành, qua việc bàn về cảm xúc tôn kính của quy luật luân lý như một phương cách tự quy định của ý chí và đưa ra sự phân biệt quan trọng giữa hành động thuộc Bổn phận vì bổn phận và Hành động vì tôn kính luật.


 

Đặt vấn đề

            Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, đời sống con người ngày càng nâng cao, kéo theo nhu cầu tận hưởng cuộc sống cũng tăng lên. Tuy nhiên, có một thực trạng tiêu cực trong xã hội ngày nay đã và đang lan rộng mà người ta thường gọi là ‘bệnh vô cảm’. Sống vô cảm có nghĩa là khi con người quá đề cao chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, vị lợi, và thực dụng, nên họ dễ dàng quy hướng mọi sự về mình và ít khi quan tâm đến lợi ích chung của tha nhân và cộng đồng. Do đó, nhiều vấn nạn phức tạm ngày nay như: ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, âm thanh, tiếng ồn ầm ĩ, tràn lan khắp nơi. Nạn chặt phá rừng, khai thác dầu mỏ, than đá, đánh bắt hải sản, thú rừng… xảy ra ở nhiều nơi cách vô độ. Vấn đề sự dữ, sự ác như chiến tranh giữa các cường quốc, nạn bóc lột, tham những, phân biệt chủng tộc và chênh lệch giàu nghèo giữa các nước và trong nước với nhau… vẫn diễn ra nhan nhản, thậm chí càng ngày càng tăng cao. Vậy, liệu rằng triết học của Kant có giải quyết vấn nạn trên và hướng dẫn con người đi theo đúng đường hướng đạo đức, luân lý chăng? con người có thể sống đạo đức hơn, cụ thể là hoà giải với thiên nhiên, môi trường và hoà giải với nhau như những hữu thể nhân linh đang cùng hít thở và chung sống với nhau trên trái đất này như thế nào? Trong bài phạm vi bài viết này, tác giả sẽ cố gắng giải quyết phần nào những vấn nạn trên một cách chung quy, tổng quát theo như chiều hướng đạo đức học của Kant.

1.     Mệnh lệnh giả thiết và mệnh lệnh nhất quyết

Trước hết, để thực hiện được một hành vi đạo đức cách khách quan, mà có đôi khi hữu thể lý tính không tự mình quy định ý chí thì nó cần đến một mệnh lệnh. Theo quan niệm của Kant, “đối với một hữu thể mà lý tính không tự mình có thể hoàn toàn quy định được ý chí, thì quy tắc này là một mệnh lệnh (Imperativ), tức là một quy tắc mang đặc điểm của một cái “Phải là” (Sollen), biểu thị sự bắt buộc khách quan của hành vi.” Kant chia ra hai loại mệnh lệnh: Mệnh lệnh giả thiết (hypothetische Imperativen) đơn thuần liên quan đến kết quả (mục đích) và phương tiện và Mệnh lệnh nhất quyết hay tuyệt đối (kategorische Imperativen) chỉ quy định ý chí bất kể ý chí có tương ứng được với kết quả hay không. Duy chỉ có mệnh lệnh nhất quyết là quy luật thực hành.

Để hiểu hơn về hai mệnh lệnh trên, ta có thể đưa ra một ví dụ để dễ hình dung ra vấn đề. Giả sử muốn đạt được kết quả là kết thúc chiến tranh giữa hai nước, ta cần thăng tiến hoà bình, cụ thể là sự đàm phán giữa đôi bên, cần sự can thiệp giữa các tổ chức hoà bình, liên hiệp quốc… và đó chính là phương tiện để đạt được mục đích ngừng chiến tranh. “Để xây dựng hoà bình, chúng ta phải ngừng chiến tranh” đây chính là một mệnh lệnh giả thiết. Kế đến, ví dụ như Liên Hiệp Quốc ra mệnh lệnh “Hãy dừng chiến tranh, nếu không Liên Hiệp Quốc sẽ trừng phạt kinh tế của các nước nào tham chiến,” đây là mệnh lệnh nhất quyết hoặc tuyệt đối, vì nó quy định ý chí mọi người dân cùng cấp lãnh đạo các nước tham chiến, dù ý chí của họ có muốn tiếp tục hay dừng chiến tranh. Đây là một mệnh lệnh mang tính quy luật thực hành.

Từ những mệnh lệnh đó, Kant đưa ra hai hướng một là điều lệnh mang tính thực hành, hai là quy luật thực hành. Quy luật thực hành khởi đi từ Châm ngôn (tương ứng với điều kiện chủ quan) và mệnh lệnh (mang tính khách quan). Chúng ta cùng tìm hiểu sâu kỹ hơn từng phần trong các đoạn văn dưới đây.

Trước hết, Kant giả thiết rằng: “chỉ duy có hình thức ban bố quy luật đơn thuần của các châm ngôn là cơ sở quy định đầy đủ cho một ý chí, hãy thử tìm ra đặc tính của ý chí có thể được quy định chỉ bởi hình thức ấy.[ii] Để tìm ra đặc tính của ý chí, trước tiên, Kant quan niệm hình thức đơn thuần của quy luật không thuộc về thế giới hiện tượng (chỉ được hình dung bởi lý trí). Kế đến, ông cho rằng cơ sở quy định ý chí không thể như là một biểu tượng có tính nhân quả, vì nó không thuộc thế giới hiện tượng. Thế nên, Kant thừa nhận đó là ý chí tự do. Ý chí tự do thì hoàn toàn độc lập khỏi tính nhân quả. Cùng với đó, ý niệm về tự do là một trong bộ ba vật tự thân của Kant. Tự do là yếu tốt rất quan trọng trong toà nhà lý tính như ông xây dựng. Thậm chí, ông ví von ‘tự do như là viên đá đỉnh vòm của toà nhà lý tính’. Còn lý tính thuần tuý thực hành có chức năng ban bố quy luật cách vô điều kiện, nhằm xác lập tự do. Thế nên, tự do như là cái vô điều kiện trong chuỗi nối kết nhân quả.

Kant củng cố thêm luận điểm về ý chí tự do qua việc phát biểu “Giả thiết rằng: một ý chí là tự do, hãy tìm quy luật nào chỉ duy tự mình có đủ năng lực để quy định ý chí một cách tất yếu.[iii] Giả sử như, có một ai đó có ước muốn sống cuộc đời yêu thương, bác ái và quảng đại với người khác. Họ tâm niệm rằng ‘sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình,’ đối với học đó là một quy luật mà duy tự nơi mình, họ có đủ năng lực để quy định ý chí thực hiện theo châm ngôn đó. Với họ, đó dường như là quy luật thực hành của cuộc sống mang tính thường nghiệm, với ý chí tự do được quy định, là một kết quả của quy trình hình thức ban bố quy luật thực hành. Tóm lại, người đó có ý chỉ tự do để ban bố hình thức quy luật, đồng thời, nhờ hình thức ban bố quy luật họ càng có ý chí tự do hơn. Đây là hai chiều hướng quan hệ hỗ tương.

  Vậy tự do và quy luật luân lý có tương quan với nhau như thế nào? Theo Kant, “Quy luật luân lý được ý thức một cách trực tiếp là cái đầu tiên xuất hiện ra cho ta và trực tiếp dẫn ta đi đến khái niệm về Tự do.”[iv] Thế nên, tự do là ratio essendi của quy luật luân lý, trong khi quy luật luân lý là ratio cognoscendi của tự do. Chính khi tự do nội tại nơi mình, theo Kant, quy luật luân lý mới được khởi phát. Cụ thể ông phát biểu “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi.[v]

Tóm lại, khởi đi từ mệnh lệnh (giả thiết và nhất quyết), Kant dẫn chúng qua ý chí tự do mà với điều kiện chủ quan sẽ cho ra các châm ngôn (nguyên tắc chủ thể làm theo trong thực tế), và mệnh lệnh với ý chí tự do sẽ đưa ra các điều lệnh, quy luật luân lý có tính thực hành. Để hiểu rõ hơn về quy luật thực hành, chúng ta cùng tìm hiểu đề mục dưới đây.

2.     Quy luật thực hành

Trước hết, để đưa ra quy luật thực hành, Kant quan niệm rằng “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ biến.”[vi] Yếu tố nhấn mạnh ở đây là châm ngôn của ý chí nơi mình nhưng lại mang tính phổ quát, nghĩa là áp dụng được trong mọi lúc, mọi nơi và với mọi người. Quy luật luân lý mang tính thực hành đó phải được ý thức một cách tiên nghiệm, hiểu theo nghĩa chặt là lý tính thuần tuý thực hành.

Ý thức này được lý giải như là một Sự kiện của lý tính:Ta có thể gọi ý thức về quy luật cơ bản này là một Sự kiện của lý tính, vì ta không thể suy diễn ra nó từ những dữ liệu có trước đó của lý tính, chẳng hạn từ ý thức về sự Tự do (vì ý thức này không được mang lại cho ta từ trước); trái lại, vì nó tự mình áp đặt lên ta như một mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm, không dựa trên bất kỳ một trực quan nào, dù là thuần túy hay thường nghiệm.[vii] Đây không phải là một sự kiện thường nghiệm, mà là sự kiện-hiển nhiên duy nhất của lý tính thuần túy, qua đó, nó tự báo hiệu rằng bản thân mình [lý tính thuần túy]có tính ban bố quy luật một cách nguyên thủy. Do đó, lý tính thuần túy là có tính thực hành. Đồng thời, Kant cho rằng: “Lý tính thuần túy là thực hành do tự nơi chính mình (für sich allein praktisch) và mang lại (cho con người) một quy luật phổ biến được ta gọi là quy luật luân lý (das Sittengesetz).[viii]

Quy luật thực hành cần có một vài yếu tố đi kèm chẳng hạn như:  ý chí thiêng liêng, ý chí thuần tuý chịu tác động bởi nhu cầu và cảm tính, mệnh lệnh nhất quyết, bổn phận, nghĩa vụ, sự cưỡng chế của lý tính, vươn đến cách vô tận, đức hạnh luân lý… Tuy nhiên, tất cả các yếu tố đó cần khởi phát từ tự do lựa chọn, nghĩa là khả năng độc lập khỏi mọi dị trị. Ý chí ‘phải là’ một châm ngôn được xác lập cách chủ quan. Thế nên, Kant đúc kết “từ ý chí, ta có các quy luật, từ tự do chọn lựa, ta có các châm ngôn.”[ix] Qua mệnh lệnh đến ý chí, ta thấy xuất hiện hai chiều hướng ‘Dị trị và tự trị’ chúng là những điều lệnh thực hành và cũng là những quy luật thực hành. Để hiểu rõ hơn về hai chiều hướng đó, ta sẽ triển khai nội dung của chúng trong đề mục dưới đây.

3.     Sự tự trị

Trước hết, ta cần phân biệt giữa ý niệm tự trị và dị trị, theo quan điểm của Kant. “Sự tự trị (Autonomie) của ý chí (Wille) là nguyên tắc duy nhất của mọi quy luật luân lý và của mọi nghĩa vụ phù hợp với chúng; ngược lại, sự ngoại trị (Heteronomie) của sự tự do lựa chọn (Willkür) không chỉ không thể làm cơ sở cho bất kỳ bổn phận nào mà còn đối lập lại với nguyên tắc của bổn phận và với luân lý của ý chí.”[x]

Với Dị trị, ta thấy nó khởi đi từ mệnh lệnh, qua ý chí và dị trị hướng đến kết quả hay mục đích (chất liệu), rồi đến mệnh lệnh giả thiết (là điều nên làm). Ở mệnh lệnh giả thiết có hai chiều hướng, một là đối tượng khả hữu với những nghi vấn hay quy tắc của tài khéo (dùng phương thế để đạt được mục đích); hai là đối tượng tiền giả định nhằm xác định hoặc đưa ra lời khuyên. Nơi chiều hướng Tự trị, ta thấy nó cũng khởi đi từ mệnh lệnh qua ý chí, và tự trị thì bất kể kết quả hay mục đích (mô thức) để hướng đến mệnh lệnh tuyệt đối, nhất thiết và vô điều kiện (phải làm, với mọi trường hợp mà không có ngoại lệ). Chúng là quy luật thực hành.

Trong sự tự trị, có hai loại tự do: “Tự Do Khỏi…” và “Tự Do Để…”. Trước hết, với sự tự do lựa chọn, “tự do khỏi” điều gì đó, nghĩa là nó không bị chất liệu của sự ham muốn quy định, và không phục tùng quy luật nhân quả của thế giới cảm tính, hiểu theo nghĩa tích cựu và siêu nghiệm. Ví dụ: một người có tự do để chọn lối sống quảng đại, bao dung và nhân ái… tự do đó là tự do khỏi những cám dỗ danh-lợi-thú và tham-sân-si… đầu mối của sự thực dụng, duy lợi, vị kỷ...Thứ đến, tự trị của ý chí đó là “tự do để” làm điều gì đó. Nó quy định chính mình theo nghĩa tích cực. Ví dụ, một người có tự do để chọn lựa lối sống bảo vệ môi trường chung quanh, họ phát động, cổ võ các phong trào, dự án bảo vệ môi trường, lên án các hành vi phá hoại hoặc khai thác trái phép tài nguyên môi trường. Đó là tự do để tự mình gây ý thức bảo vệ môi trường theo nghĩa tích cực. Hành vi đó hướng tới đạo đức môi sinh cách chung nhất.

Bên cạnh đó, Kant cho rằng còn yếu tố ngoại trị, và “Sự ngoại trị (Heteronomie) của sự tự do lựa chọn (Willkür) là do dựa trên sự hình dung về những đối tượng chất liệu-cảm tính mà ta muốn biến chúng thành hiện thực bằng hành động. (Điều lệnh (Vorschrift/Precept) thực hành)”.[xi] Ví dụ, một người mang trong lòng sự hận thù với một ai đó, khi được khuyên nhủ ‘hãy sống yêu thương, tha thứ anh sẽ có một cuộc sống thanh thản, bình an và hạnh phúc hơn. Ngược lại, nếu anh mãi nuôi dưỡng ngọn lửa thù hận, bản thân anh sẽ bất an, phiền não và đau khổ trong lòng luôn mãi.’ Người đó nghe thấy hợp lý và suy nghĩ rằng nếu mình tha thứ và buông xả thù hận thì mình cảm thấy được niềm vui và hạnh phúc (chất liệu cảm tính). Từ cảm nhận an yên và vui sướng đó, anh ta thực hiện hành động tha thứ, đó là điều lệnh thực hành được xác lập một cách chủ quan.

Từ những diễn dịch trên, Kant đưa ra nhận định “cơ sơ quy định cho sự tự do lựa chọn (Willkür) chính là ý chí (Wille).” Và “từ ý chí, ta có các quy luật; từ sự tự do lựa chọn, ta có các châm ngôn.[xii] Ví dụ, để bảo vệ môi trường, các cấp lãnh đạo các quốc gia đã đưa ra quy luật “cấm khai thác rừng, biển trái phép và săn bắt thú rừng quý hiếm.” Quy luật này khởi đi từ ý chí, vì ý chí quyết định ý thức để hành động. Đối với châm ngôn, nó cần khởi đi từ tự do chọn lựa. Ví dụ, “không có gì quý hơn độc lập, tự do và hạnh phúc” đó một châm ngôn sống và khởi đi từ sự lựa chọn với tự do hoàn toàn. Tuy nhiên, Kant mở rộng hơn vấn đề của châm ngôn, ông cho rằng “Châm ngôn của lòng yêu chính mình (sự khôn ngoan) chỉ khuyên bảo ta; còn quy luật của luân lý ban mệnh lệnh cho ta. Ở đây, ta thấy có một sự khác biệt lớn giữa những gì khuyên ta nên làm với những gì ta có bổn phận phải làm.”[xiii]

Tóm lại, theo nhận định của Kant, nguyên tắc tự trị của ý chí: dễ thủ đắc, chỉ cần làm theo bổn phận, đang khi đó, dựa vào tính ngoại trị của chọn lựa thì đòi hỏi sự khôn ngoan vô tận (vì cần nắm bắt tất cả chất liệu thường nghiệm). Tuy nhiên, Kant cũng mạnh dạn đề cập đến mệnh lệnh luân lý nhân danh nghĩa vụ là hoàn toàn hợp lý, bởi đó là nghĩa vụ “phải làm” và cá nhân tự tìm phương tiện để làm. Đồng thời, Kant nghiêm khắc đưa ra các hình phạt, nếu ai đó vi phạm quy luật luân lý. Trong số các hình phạt, “công bằng hay công lý cần phải đứng hàng đầu.”[xiv] Thế nhưng, sự trừng phạt là một sự tổn hại về mặt vật chất (physical harm), được gắn liền với điều xấu về luân lý như một hậu quả bởi các nguyên tắc của một sự ban bố quy luật luân lý. Theo nhận định của ‘Phê phán thuyết’ cho rằng: sự trừng phạt đối với tội ác là ở chỗ: nó tự làm tổn hại chính kẻ phạm tội (dựa theo nguyên tắc hạnh phúc riêng tư). Còn theo ‘Luật đáp trả [ius talinis]’: pháp quyền hình sự áp dụng một hình phạt cho người phạm tội ngang bằng với sự phạm tội của họ.

Tạm kết

Để giải quyết các vấn nạn đề ra ở đầu bài, thiết nghĩ cần xây dựng nền đạo đức học khả dĩ thực hành tính. Nền đạo đức ấy phải vô điều kiện (nghĩa là không có trường hợp ngoại lệ) vừa phải có tính phổ quát (nghĩa là áp dụng được cho tất cả). Kant đã xây dựng cơ sở lý luận cho đạo đức học của mình qua cuốn Đặt cơ sở cho siêu hình học về đức lý (Groundwork for the Metaphysics of Morals/ Grundlegung zur Metaphysik der Sitten, 1785) và một lần nữa được diễn đạt kỹ lưỡng hơn trong Phê phán lý tính thực hành (Critique of Practical Reason/ Kritik der praktischen Vernunft, 1788). Kant thao thức về những đạo đức học mang tính chuẩn tắc (normative ethic) nhằm giải quyết câu hỏi “tôi phải làm gì?” Kant đưa ra một hệ thống nguyên tắc thực hành:

Các nguyên tắc thực hành là các mệnh đề bao hàm một sự quy định phổ biến đối với ý chí; và sự quy này chứa đựng dưới nó nhiêu quy tắc thực hành. Các quy tắc này là có tính chủ quan hay [gọi] là các Châm ngôn (Maximen) khi điều kiện được xem xét bởi chủ thể như là chỉ có giá trị đối với ý chí riêng của chủ thể; nhưng, chúng lại có tính khách quan hay [gọi] là các quy luật thực hành (praktische Gesetze) nếu điều kiện được nhận thức như là có tính khách quan, nghĩa là, có giá trị đối với ý chí của bất kỳ hữu thể nào có lý tính.[xv]

Tựu trung, Kant cho rằng từ mệnh lệnh ngang qua ý chí, con người có hai hướng dị trị và tự trị. Nơi dị trị, hành vi hướng đến kết quả, mục đích và đưa tới mệnh lệnh giả thiết là cái nên làm. Đối với đối tượng khả hữu thì dùng nghi vấn hoặc quy tắc của tài khéo, nếu đối tượng là tiền giả định thì cần đến lời khuyên. Đang khi đó, với Tự trị, mô thức là kết quả hay mục đích bất kỳ, nó hướng đến mệnh lệnh tuyệt đối, nhất thiết và vô điều kiện. Cách chung, Kant xây dựng hệ thống đạo đức khởi đi từ mệnh lệnh, đến ý chí tự do, và quy luật thực hành. Trong đó, có yếu tố tự trị với tự do “khỏi” và tự do “để” làm điều gì đó. Bởi lẽ tự do là cơ sở tồn tại (ratio essendi) của quy luật luân lý. Sau cùng, Kant đưa ra công thức nổi tiếng của mình: “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ biến.”[xvi] Dĩ nhiên, công thức này có nhiều tranh cãi, bởi nhiều người cho rằng công thức này rườm rà này có vẻ như trống rỗng[xvii]. Tuy nhiên, ở một lớp nghĩa khác, công thức này làm nổi lên một nhận thức về vai trò ban bố quy luật của lý tính thuần túy. Bởi lẽ, “Lý tính thuần túy là thực hành do tự nơi chính mình (für sich allein praktisch) và mang lại (cho con người) một quy luật phổ biến được ta gọi là quy luật luân lý (das Sittengesetz).”[xviii]

Hệ thống đạo đức mà Kant xây dựng, dù có phần nào mang tính cưỡng chế, ép buộc mà chẳng mấy dễ chịu. Thế nhưng, ở một vị thế phổ quát và tất yếu, nó là đòi hỏi bắt buộc để giúp con người tiến xa hơn đến hạnh phúc vô tận mà “con người xứng đang được hưởng”.[xix] Đó cũng là điều mà Kant khắc khoải “tôi có thể hy vọng gì?” Dù cho còn nhiều người chỉ trích về hệ thống đạo đức của Kant, tuy nhiên những gợi hứng của ông không bao giờ nguôi thoả, cạn vơi với các học giả hậu thời ông.


 

Danh mục tài liệu tham khảo

Caygill, Howard. Từ điển triết học Kant. Dịch bởi Bùi Văn Nam Sơn et al. Hà Nội: Tri Thức, 2013.

Kant, Immanuel. Critique of Practical Reason. Dịch bởi Mary Gregor. Cambridge: Cambridge University Press, 2015.

—. Phê phán lý tính thuần túy. Dịch bởi Bùi Văn Nam Sơn. Hà Nội: Văn Học, 2004.

—. Phê phán lý tính thực hành. Dịch bởi Bùi Văn Nam Sơn. Hà Nội: Tri Thức, 2006.

 



[i] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006, 278) – [A289].

[ii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A52]

[iii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A52]

[iv] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A54]

[v] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A289]

[vi] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A54]

[vii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A56]

[viii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A56]

[ix] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A59]

[x] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A59]

[xi] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A59]

[xii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [CSSĐ, VI 226]

[xiii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A64]

[xiv] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A66]

[xv] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A35]

[xvi] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006, 56) – [A54]

[xvii] Cf. (Caygill 2013, 259)

[xviii] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006, 58) – [A56]

[xix] (Kant, Phê phán lý tính thực hành 2006) – [A199]

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Trào Lưu “Tình Một Đêm” Dưới Cái Nhìn Của Triết Học Con Người

 

Trào Lưu “Tình Một Đêm” Dưới Cái Nhìn Của Triết Học Con Người

Minh Đức S.J.


Dẫn nhập

Với sự phát triển của khoa học-kỹ thuật hiện đại, trình độ tri thức của con người trên thế giới mỗi ngày một nâng cao, kéo theo những nhu cầu tiện nghi vật chất cũng tăng theo. Xu thế tận hưởng cuộc sống hằng ngày như mua sắm, tiêu dùng, ăn uống, vui chơi, giải trí… được con người thời nay hưởng ứng tích cực. Trong số đó, trào lưu “Tình một đêm” là một lối sống đã và đang thu hút mọi người, cách riêng là các bạn trẻ không những ở Tây Phương, mà còn ở Việt Nam. Có thể những người lớn tuổi thì khá xa lạ với lối sống này, tuy nhiên, với các bạn trẻ thế hệ ‘9x, 2k, gen z’ đó là chuyện thường tình, thậm chí đó là một thú vui vô cùng hấp dẫn.

“Tình một đêm” viết tắt trong tiếng Anh là ONS, nghĩa là “One night stand”, có người dịch là “One night sex”, thậm chí có người còn gọi là “419” (for one night). Chung quy khi dịch ra tiếng Việt, những cụm từ trên có nghĩa là “Tình một đêm”. Khác với những mối quan hệ hiện nay như “sugar daddy”, “sugar baby”, “FWB” (friend with benefits) … tình một đêm là xu hướng tính dục cởi mở, phóng khoáng. Nó khởi đi từ những mối quan hệ tính dục giữa hai người xa lạ, thông thường là nam với nữ. Như tên gọi của nó, tình một đêm chỉ kéo dài trong thời gian một đêm, có đôi khi mối quan hệ đó kéo dài hai hoặc ba đêm, hay nhiều hơn nữa.

Người muốn trải nghiệm “tình một đêm,” họ đến các hộp đêm, quán rượu, quán bar nào đó… hoặc sử dụng các ứng dụng hẹn hò trên mạng xã hội (như Tinder, Bumle, Down, eHarmony, Okcupid… hoặc tìm kiếm bạn tình trên Zalo, Facebook…). Họ tìm những người bạn có cùng khuynh hướng như mình, với mục đích chính yếu là để thỏa mãn nhu cầu tính dục của bản thân chứ không hẳn dựa trên nền tảng tình yêu lứa đôi, vợ chồng. Sau tình một đêm, cả hai người sẽ chủ động rời xa nhau, mà không níu kéo liên lạc, nhằm giữ cuộc sống riêng tư cho nhau. Trong mối quan hệ này, tình yêu và tiền bạc không được đề cập đến, nó gần như là mối quan hệ mở “NSA” (No Strings Attached).

Đặt vấn đề

Như vậy, vấn đề được đặt ra ở đây là điều gì đã thôi thúc, khiến cho một số người tìm đến tình một đêm? Tại sao trào lưu kỳ lạ này được nhiều người hưởng ứng, đặc biệt là các bạn trẻ? Trách nhiệm và hệ quả của hành vi đó sẽ thuộc về ai? Đâu là định hướng cho lối sống này? Phải chăng tình một đêm chỉ để thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý? Hoặc lấp đầy “khoảng trống rỗng” của tâm hồn? Có chăng, đây là một hiện tượng dồn nén tâm lý như quan niệm của Sigmund Freud? Trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ trình bày một vài phân tích về hiện tượng trên dựa theo những góc nhìn tâm lý học, xã hội học, và nhân học siêu hình… Ngõ hầu, những quan điểm đó làm sáng tỏ hơn về trào lưu tình một đêm qua những câu hỏi trên. Trong sự giới hạn của mình, người viết sẽ cố gắng trình bày và làm sáng tỏ từng vấn đề.

1.      Nỗi trống vắng thẳm sâu theo tâm lý học

Khi tiếp cận khái niệm tình một đêm, có lẽ nhiều người sẽ đặt vấn đề là tại sao trào lưu này lại thịnh hành như vậy? Đến với tình một đêm người ta sẽ được gì và mất gì? Có rất nhiều câu trả lời cho vấn đề trên. Chẳng hạn, ai đó muốn đi tìm khoái cảm tính dục với người lạ, để giải tỏa căng thẳng công việc, áp lực cuộc sống… hay tìm kiếm một thú giải trí cho bản thân. Cũng có thể người khác vì bị bó buộc trong cuộc sống hôn nhân lâu ngày, muốn được thoải mái, tự do hơn trong chuyện chăn gối nên tìm đến tình một đêm. Nhiều người chọn tình một đêm như là sân chơi để rèn luyện và phát huy khả năng “giường chiếu” của bản thân, để họ được dày dặn kinh nghiệm, phong phú khả năng ‘phòng the’ hoặc để khoe khoang ‘chiến tích’… hoặc cũng có thể tình một đêm là một sự chọn lựa cho những người có xu hướng đề cao chủ nghĩa độc thân.

Nếu nhìn ở góc độ sinh học, thì tình một đêm phải chăng chỉ là sự thỏa mãn sinh lý tính dục của mỗi người? Xét theo phân tích của Plato trong tác phẩm Cộng Hòa, con người là những sinh vật xã hội, họ có 3 thành phần chính yếu trong linh hồn là “ham muốn,” “lý tính,” và “tinh thần.”[i] Nếu chỉ dừng ở mức độ “ham muốn” để thỏa mãn nhu cầu tính dục, có lẽ con người chẳng hơn con vật là mấy. Bởi vì, ở một số loài vật, chúng có mùa giao phối (mating season), mùa đi tìm bạn tình để giao hợp và sinh sản. Đồng ý rằng: vì con người cũng là động vật nên cũng không tránh khỏi những ham muốn của bản năng xác thịt, đó là nhu cầu sinh lý bình thường. Thế nhưng, con người còn có yếu tố “lý trí” và “tinh thần” ngự trị trong mình, và những yếu tố đó vượt trên những “ham muốn” hạ cấp kia. Từ yếu tố “tinh thần” và “lý trí” trên, ta thấy có thể quy hồi nguyên nhân của tình một đêm về hướng cơ bản là ảnh hưởng từ chiều kích “tâm lý” và “xã hội tính.”

Xét về phương diện tâm lý, xã hội ngày nay đã và đang phát triển mạnh mẽ, con người bị cuốn hút vào nền kinh tế-thị trường, vòng xoay cơm áo gạo tiền liên tục lôi kéo con người cách mãnh liệt, dẫn đến nhiều người bị tổn thương tình cảm, áp lực cuộc sống, căng thẳng trong công việc hằng ngày… Do đó, họ tìm đến tình một đêm như là cách thức để khỏa lấp những khoảng trống vắng hay xoa diu những vết thương tâm hồn. Thực tế, theo tâm lý chiều sâu, có lẽ người ta tìm đến tình một đêm vì một nỗi trống vắng sâu thẳm cần được lấp đầy. Họ cần đến một người lạ để tâm sự. Trong một quán bar, nơi mà đông đảo người tìm đến đó để giải khuây, hưởng thụ cuộc sống, hoặc để vơi đi nỗi buồn. Chìm trong những bản nhạc sôi động, dưới ánh đèn chớp nháy bập bùng, cùng với men say rượu nồng từ cốc bia, ly rượu… niềm hân hoan, hưng phấn của con người sẽ gia tăng. Lúc đó, nếu có ai đến rủ rê, cặp kè, trút bầu tâm sự… thì có lẽ họ dễ dàng mở lòng để đi đến tình một đêm.

Có những người tìm đến tình một đêm vì nỗi thất vọng ê chề, từ những thương tổn tình cảm, cú sốc tâm lý thất tình… những nỗi đớn đau đó thúc dục họ đến những hộp đêm, quán bar… từ đó tình một đêm như là giải pháp để họ quên đi sầu buồn, tổn thương, và phản bội. Khi chìm đắm trong nỗi sầu đau, tuyệt vọng, họ tựa như người đuối nước giữa biển khơi, lúc đó tình một đêm giống như chiếc phao tạm thời để họ ôm ghì, níu kéo. Tuy nhiên, thực tế trong họ là mảnh hồn hoang, trống vắng bởi nhiều xáo trộn, theo tâm lý học gọi đó là tình trạng rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Chọn lựa tình một đêm của họ là một hành động có thể là bất chợt, bốc đồng, chưa suy xét kỹ lưỡng. Họ đi tìm hạnh phúc, niềm vui, thỏa mãn… nhưng những cảm giác đó là tạm thời nếu không muốn nói là ảo giác. Đại thị hào Nguyễn Du đã tinh tế mô tả lại cảnh tượng này như sau: “trong khi chắp cánh, lìa cành, mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.” (Truyện Kiều). Trong cuộc giao hoan đó, phần đa trong số họ cảm thấy chút khoảnh khắc cảm giác ‘lên đỉnh’ thì sung sướng, hân hoan… thế nhưng, sau cuộc ân ái đó, họ trải qua nỗi cô đơn, trỗng rống, dằn vặt, cảm giác xấu hổ, thậm chí bị đối phương xem thường.

Tâm lý lúc trước của họ đã bất ổn, sau ‘cuộc yêu cuồng loạn’, tâm hồn họ càng khủng hoảng và bấn loạn hơn. Nhân cách và tinh thần cũng bị sang chấn. Tệ bạc hơn, khi mối quan hệ tính dục dễ dãi, bừa bãi ấy bị người khác phát hiện, đặc biệt là những người thân thương, có lẽ đương sự sẽ cảm thấy nỗi ân hận, xấu hổ và tiếc nuối vì giá trị bản thân của mình thì rẻ mạt, và nhân phẩm không được tôn trọng. Nếu người nào đã lập gia đình, có lẽ hạnh phúc gia đình của họ sẽ bị rạn nứt và đổ vỡ. Xem ra, khi đến với tình một đêm, ai ai cũng mong bản thân mình có được một điều gì đó chẳng hạn như cảm xúc ‘sướng hơn,’ và tình trạng hiện tại của mình được cải thiện hơn. Thế nhưng, qua những phân tích trên, có lẽ tình một đêm làm người ta mất nhiều hơn là được.

Cách chung, tình một đêm có thể được nhìn nhận dưới góc độ tâm lý như là sự dồn nén cảm xúc của một đam mê lạc thú để thoả mãn cảm xúc nhất thời, sau đó là những trống rỗng, đau khổ trong tâm hồn. Thật vậy, nhà tâm lý học Sigmund Freud, trong tác phẩm Sự bất mãn trong văn minh văn hoá (Das Unbehagen in der Kultur, Civilization and Its Discontents), đã viết rằng “vấn đề chủ đích của cuộc sống con người không bao giờ nhận được một lời giải đáp thỏa mãn, nhưng điều mà con người qua cách hành xử của họ biểu lộ như là chủ đích của cuộc sống nơi mình thì xem ra như chỉ là những tác động theo “nguyên tắc lạc thú” (“the pleasure principle”): tìm kiếm sự thỏa mãn tức thì cho những xung lực của bản năng.”[ii] Thậm chí, Freud còn nói thêm: “cuối cùng ra thì mọi đau khổ cũng không gì khác hơn từ những cảm xúc.”[iii]

Nhận định của Freud về ham muốn lạc thú của con người gần như đồng hoá với súc vật. Thế nhưng, “nhận định này đi ngược với nỗ lực để tách biệt con người khỏi con vật nhờ khả năng tư duy, phán đoán, và lý trí có sẵn nơi con người mà Plato, Aristoteles và Kant đã dày công xây dựng.”[iv]  Bởi theo Plato, con người không chỉ có “ham muốn” mà còn có “lý trí” và “tinh thần”, chúng được phát triển và tiến hoá dần trong môi trường quần thể, xã hội, cộng đồng. Do đó, khi bàn về con người cần phải nhắc đến yếu tố “xã hội tính”.

2.      Hành động theo xã hội tính của con người

Nếu xét theo chiều kích xã hội tính, thì tình một đêm dần trở thành trào lưu, xu hướng thịnh hành của giới trẻ ngày nay. Vì xã hội càng ngày càng phát triển, nên quan niệm về tính dục của con người ngày càng đổi thay theo thời đại. Thật vậy, cái nhìn của xã hội thời ngày nay về tính dục được cởi mở nhiều hơn so với trước kia. Ví dụ: cách đây 40 năm tại Việt Nam, con gái không có chồng mà bụng mang dạ chửa thì bị xã hội, làng xóm, mọi người chê cười là đồ đàn bà lang chạ, chửa hoang… họ khinh chê gia đình bất hạnh, dòng họ vô phúc. Thế nhưng thời nay, xã hội cho rằng một cô gái không có chồng mà có con ấy là người phụ nữ từng trải, bản lĩnh. Thậm chí người ta còn nói kháy nhau: “Không chồng mà chửa mới sang, có chồng mà chửa thế gian thiếu gì!”

Đối với người trẻ hiện nay, nếu đem những quan niệm truyền thống của Nho gia như “nam nữ thọ thọ bất thân,” hay “giấy rách phải giữ lấy lề,” hoặc “trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh giữ cau trầu mình…” để dạy dỗ, khuyên nhủ, thì có lẽ họ sẽ cho rằng đây là quan niệm cổ hủ, lỗi thời của các ông bà già ngày xưa. Những quy tắc, luật lệ đó đã không còn hợp thời đại, xu thế người trẻ hiện này. Những người trẻ càng cho là ngớ ngẩn, ngây ngô khi chúng ta đưa ra những lề luật của các tôn giáo, hay những giá trị đạo đức mà con người cần hướng đến để cho họ áp dụng. Chẳng hạn, làm sao ta có thể giải thích theo Thánh Kinh “việc nam nữ ăn nằm với nhau là họ trở nên một xương, một thịt với nhau. Nghĩa là họ tuy hai người nhưng là một với nhau” cho một người đang dấn thân vào lối sống tình một đêm. Điều đó thật khó để thực hiện vì quan niệm sống và niềm tin tôn giáo mỗi người mỗi khác. Hơn nữa, với lối tư duy của thời đại này, các bạn trẻ thường muốn tìm đến những trải nghiệm lạ, cảm giác sung sướng hơn là lắng nghe những bài học đặc sệt tính giáo điều.

Vậy, có thể xem tình một đêm là một sự tha hoá của người trẻ trong xã hội ngày nay chăng? Một điều không thể phủ nhận là con người hành động bởi ảnh hưởng từ cộng đồng, Karl Marx khẳng định “bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội.”[v] Trên bình diện luận lý, tha hóa là một tương quan. Theo Marx “tha hóa là do chính mình hoặc do tự nhiên. Đối với ông, tự nhiên là do con người biến tác ra (modified).”[vi] Chính con người đã làm cho mình trở nên bị tha hoá, bởi vì cơ chế lao động, sản xuất ngày nay có tính rợp khuôn, máy móc, thúc bách con người làm việc chạy theo chỉ tiêu, lợi nhuận cách quá đáng. Cuộc sống đẩy dồn con người vào nhịp sống vội vàng theo tiến độ, lo lắng mất chỉ tiêu, chạy đua theo thành tích… nhiều người không tìm thấy ý nghĩa của công việc đơn điệu hoặc bận rộn hằng ngày, họ cảm thấy sự căng thẳng trong công việc, và áp lực của cuộc sống đè nặng trên họ mỗi ngày. Cuối cùng, họ tìm cách buông xả những năng lượng tiêu cực đó. Thế nên, tìm đến tình một đêm là một trong những cách thức để xả giải áp lực.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ như học sinh, sinh viên cũng phần nào chịu ảnh hưởng từ sự tha hóa kể trên. Thật vậy, trong đời sống trong thực tế đã có nhiều câu chuyện bi thương mà thỉnh thoảng các trang mạng xã hội, báo chí… có đăng tải. Nội dung của những câu chuyện đó kể về một số sinh viên trẻ từ miền quê nghèo lên thành phố sinh sống, vì không đủ kinh tế để trang trải sinh hoạt thường nhật, và đáp ứng những nhu cầu, tiện nghi theo xu thế thời đại… nên họ đã tìm đến hình thức ‘bán thân’ hay dấn thân vào tình một đêm hoặc liều mình bước vào tổ chức, môi giới những đường dây mại dâm để kiếm thêm thu nhập. Do đó, có thể nói sự tha hóa của đời sống xã hội, sản xuất lao động, chi tiêu, lợi nhuận, hưởng thụ… đã là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ tìm đến tình một đêm như chọn lựa khả dĩ nhất của mình.

Vì thế, vấn đề được đặt ra ở đây là liệu rằng để giải quyết nguyên nhân của vấn đề tha hoá trong đời sống sản xuất và tha hoá trong đời sống con người, cụ thể là lối sống tình một đêm, ta cần phải thay đổi cơ chế lao động, sản xuất của xã hội? thật khó để chuyển đổi một ý thức hệ, một cơ cấu làm việc được vận hành lâu năm và vững bền. Có chăng, theo tác giả bài viết, ta cần thay đổi chính mình ngang qua việc trầm tĩnh, phản tỉnh và ý thức về nhịp sống của chính mình theo một quy chuẩn nào đó. Chẳng hạn như “Kant đã nhấn mạnh đến khuynh hướng tư kỷ và nghĩa vụ luân lý.”[vii] Ông cho rằng con người, một hữu thể thuần lý khác con vật ở chỗ biết chế ngự đam mê, kìm chế ham muốn và thực hiện nghĩa vụ luân lý. Kant cho rằng “mọi tật xấu đều do lòng tư kỷ mà ra. Do đó, mỗi người cần chu toàn bổn phận luật của mình sao cho nó tốt nhất, hoàn thiện nhất và mang tính phổ quát nhất. Ông gọi đó là hành động theo châm ngôn (maxism), chỉ với động cơ bên trong là hành động vì lẽ phải.”[viii]

Vì thế, khi đào sâu về hiện tượng tình một đêm, ta thấy hiện tượng luận của Husserl đã “kiến tạo một khả thể cho thông lộ dẫn từ đạo đức (nơi chủ thể) đến ngoại tại (nơi tha thể) mang tính siêu hình.”[ix] Ngang qua hiện tượng luận, chủ thể của hành vi tình một đêm thiết nghĩ cũng cần suy xét đến chiều kích đạo đức, hành động vì lẽ phải. Thực tế là người trẻ cần thẩm định và phản tỉnh chính mình mỗi ngày, về đạo đức của mình, để suy xét, cân nhắc xem hành động thế nào là đúng hoặc sai với luân thường đạo lý. Ngõ hầu, từ hành động chọn lựa với ý chí tự do cùng trách nhiệm, họ sẽ thấy được sự hiện hữu tròn đầy và ý nghĩa đích thực của đời sống mình. Đó không chỉ là sự hưởng thụ, thoả mãn nhục dục của bản thân, nhưng còn là sự hiểu biết, tôn trọng, và yêu thương lẫn nhau trong tự do và trách nhiệm.

3.      Tự do và trách nhiệm

Các bạn trẻ có quyền đưa ra quan điểm của mình, chẳng hạn họ đã trưởng thành, có đủ tự do và nhận thức để thực hiện một hành vi nào đó, thế nên các bạn cũng có khả năng lãnh nhận trách nhiệm về mình. Thực tế, có nhiều bạn trẻ tìm đến tình một đêm vì họ chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ chính thức, hoặc chưa đủ khả năng và trách nhiệm để xây dựng gia đình. Họ tìm đến tình một đêm như là một lối sống thử nghiệm, trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống tính dục trước hôn nhân. Như vậy, quan niệm trên có gì sai trái đối với họ? Để trả lời cho câu hỏi này, thiết nghĩ chúng ta cần thừa nhận rằng: tự do luôn đi kèm với trách nhiệm.

Không thể nào một người hành động với ý chí tự do mà không đi kèm với trách nhiệm. Triết gia hiện sinh, Jean Paul Sartre đề cập đến vấn đề ‘tự do triệt để’ như sau: “có những thời điểm mà sự tự do triệt để này được biểu lộ rõ ràng cho chúng ta. Trong những thời khắc bị cám dỗ hay bất định (như khi có người đã quyết định dứt bỏ cờ bạc, nhưng nay lại giáp mặt đối diện với bàn cờ ăn chơi), ta sẽ đau đớn nhận ra rằng, không có lý do nào, không có quyết định nào, dẫu mãnh liệt đến đâu, có thể định đoạt dứt khoát cho việc ta sẽ làm tiếp theo.”[x] Mỗi thời khắc mới ta luôn đối diện với lựa chọn mới. Sartre còn nhấn mạnh đến “sự ‘lo âu’ (‘anguish’) khi con người sử dụng sự tự do của mình.”[xi] Lo âu không phải là sợ hãi với đối tượng nào đó bên ngoài, nhưng là sự băn khoăn, bứt rứt của người sử dụng tự do để hành động, vì họ không lường trước được hệ quả của hành vi mình sắp thực hiện. Sartre cho rằng: “Lo âu và ý thức về sự tự do của chúng ta, là nỗi đau tinh thần, và chúng ta luôn tìm cách tránh né.”[xii]

Nhưng, có đôi khi bạn trẻ nào đó hành động như thể không còn sự lựa chọn nào khác, đi vào một cuộc phiêu lưu, mạo hiểm như một chọn lựa của vật vô linh tính, để chẳng còn phải âu lo, sợ hãi gì hết. Sartre cho rằng quan niệm đó là một điều hoang tưởng, một sự biện hộ để thoái thác trách nhiệm tạm thời. Nếu tiếp tục lối sống tình một đêm với ý niệm vô trách nhiệm, có lẽ đó là một căn bệnh của thời đại mà người trẻ mắc phải, để rồi hệ luỵ sau đó là một cuộc sống ảm đạm với hậu quả thê lương, chẳng hạn như mắc bệnh truyền nhiễm, cô đơn, trống vắng... Sartre cho rằng chọn lựa đó là “một ý thức bất hạnh, và không có một khả năng nào giúp ta vượt ra khỏi tình trạng bất hạnh đó,”[xiii] và đó là “một đam mê vô dụng.”[xiv]

Trong tình một đêm có hành vì quan hệ tính dục, mà theo Sartre thì: “những tương quan tình dục ấy làm dấy lên những vấn đề triết học sâu sắc. Nhưng ông lại khẳng định rằng, tôn trọng đích thực sự tự do của người khác, qua tình bằng hữu hay trong tình yêu tính dục, là một lý tưởng không thể thực hiện.”[xv] Ông cho rằng, nơi sâu thẳm cõi lòng chúng ta là khao khát lấp đầy sự “hư vô,” nó là bản chất của sự hiện hữu của chúng ta như là những hữu thể có ý thức. Tuy nhiên, Sartre cũng cẩn thận nói thêm rằng: “mỗi tương quan giữa hai con người luôn bao hàm sự xung đột, trong hình thức tìm cách phủ nhận hay sở hữu sự tự do của người khác.”[xvi]

Nếu xét về yếu tố đạo đức trong tình một đêm, thì Sartre phê bình là cần có suy tư “trong sạch” và “làm cho trong sạch” đối nghịch với suy tư “vẩn đục” hay “suy tư đồng lõa.”[xvii] Theo Sartre, đây là một sự thanh luyện nội tâm. Ông cũng nói đến “tình yêu trung thực” và “hoan hỉ với tồn tại-trong-thế giới của kẻ khác, mà không chiếm hữu nó.”[xviii] Thật vậy, có đôi khi người ta đến với nhau trong tình một đêm với tâm thế của một tình yêu không trung thực và luôn muốn chiếm đoạt người khác để thoả mãn nhu cầu của chính mình.

Nếu một người đang đau khổ và họ ý thức được về sự đau khổ của họ, thì hành trình đón nhận và chuyển hoá đau khổ dần dần được thành toàn. Cũng vậy, chỉ khi nào người trong tình một đêm thấy được chính mình đang đi sai đường lạc hướng trong lối sống này thì bước đầu của quá trình nhận thức đúng đắn về hành vi luân lý của mình. Để thực hiện được điều đó, theo Sartre, ông phân biệt giữa “ý thức phản chiếu (reflective or positional consciousness) và ý thức tiền phản chiếu (prereflective or nonpositional consciousness). Nghĩa là mọi ý thức là ý thức phản chiếu của vật gì đó khác biệt với chủ thể. Nhưng mọi ý thức phản chiếu của một đối tượng thì đồng thời cũng là ý thức tiền phản chiếu (non-positional consciousness) của chính mình.”[xix]

Ví dụ: Nếu một chàng thanh niên đến một hộp đêm hay quan bia ôm nào đó để tìm bạn tình cho tình một đêm, anh ta ý thức về các hạnh vi của mình, có người đó và những lời tán tỉnh, mời mọc của anh; và anh ta ý thức một cách tiền phản chiếu rằng anh đang gạ gẫm người phụ nữ đó để quan hệ tính dục (như được thấy bởi câu trả lời tức khắc của anh khi được hỏi anh đang làm gì đó); nhưng anh ta không ý thức cách phản chiếu về tác động ngỏ lời tán tỉnh của anh cho đến khi có người đặt ra câu hỏi anh đang làm gì đó? Khi ý thức và phản tỉnh về hành vi tình một đêm của mình, chàng thanh niên đó sẽ nhận ra mình có ý chí tự do để lựa chọn hoặc khước từ mối quan hệ tính dục đó. Anh ta càng ý thức hơn khi nhận ra sâu xa sự ham muốn nhục dục và ước muốn thoả mãn sinh lý của mình, thậm chí, anh còn nhìn thấy sự cô đơn, trống vắng của tâm hồn, cùng những hệ luỵ sau đó của hành vi tình một đêm với ai đó. Cách chung, dựa theo quan điểm triết học của Sartre thì bao gồm 2 điều: Thứ nhất, trở nên ý thức về mình đích thực hơn và sử dụng sự tự do của mình để thay đổi chính mình trở nên hoàn thiện hơn; thứ hai, làm những gì ta có thể làm cho một xã hội toàn cầu, trong đó mọi người có cơ hội đồng đều thực thi sự tự do của mình.

Tóm lại, mặc dù chúng ta biết rằng đến với tình một đêm là một chọn lựa với ý chí tự do và sau đó là một trong những mong chờ nào đó, nhưng như đã phân tích ở trên, người trẻ tìm kiếm điều gì đó để thoả mãn khát mong, và khoả lấp trống rỗng, thoả mãn sinh lý, không bị ràng buộc tiền bạc, tình cảm hay tương quan… thế nhưng, thiết nghĩ người trẻ sử dụng tự do của mình để đến với tình một đêm cũng cần phải suy xét đến trách nhiệm kéo theo của hành vi chọn lựa đó. Ngoài những hệ quả về khủng hoảng tâm lý đã đề cập ở đề mục một, một hệ quả đáng để cân nhắc, chọn lựa tình một đêm là những bệnh tật sau đó. Chẳng ai mong muốn rước bệnh tật vào thân, cụ thể là những căn bệnh truyền nhiễm qua đường tính dục. Thậm chí, thực tế có người cảm thấy xót xa, nuối tiếc về hành động dại dột của mình khi những kẻ xấu đã lợi dụng tình một đêm để quay video, chụp ảnh, và tống tiền. Một số khác, khi đã sa đà vào tình một đêm, họ bị lừa vào động mại dâm, trở thành mồi ngon cho băng nhóm buôn người. Đó là những hậu quả đáng tiếc đã từng xảy ra với người tham gia tình một đêm. Vì thế, người trẻ đến với tình một đêm không chỉ với tự do, nhưng còn cần khả năng suy xét đến trách nhiệm phải gánh chịu hệ luỵ sau đó.

4.      Nhân học siêu hình

Nếu nhìn ở chiều kích nhân học siêu hình, ta thấy thực sự tình một đêm là một hiện hữu không tròn đầy. Hai người hiện hữu trước nhau nhưng không hiện diện trọn vẹn, bởi tâm hồn và thân xác của họ không đồng điệu và hoà hợp với nhau. Theo cái nhìn của Immanuel Lévinas về khuôn mặt lạ, ông đã mở đầu chương IV của tác phẩm Otherwise than being or beyond essence bằng câu thơ lạ lùng này của Paul Célan: “Ich bin du, wenn, Ich ich bin. Tôi là bạn, khi tôi là tôi.” “Tôi hiện hữu qua tha nhân và cho tha nhân, nhưng đó không phải là sự tha hóa: tôi được gợi hứng.”[xx] Thực ra, người trẻ dấn thân vào tình một đêm, họ khó lòng tìm thấy chính mình, bởi vì chủ nghĩa vị kỷ (egoism) đã chiếm đoạt tâm trí họ. Chủ thể tính và tha thể tính không hề tương đồng mà toàn những nét dị biệt. Nó gần như nghịch lý trong chuyển động của Zeno, nghĩa là mỗi bước tiến của chủ thể về phía tha thể thì cũng cùng lúc tha thể bị lùi ra xa hơn.[xxi]

Chẳng biết khi nào khát mong của người trẻ trong tình một đêm mới được lấp đầy thoả đáng và hạnh phúc dự tràn. Bởi theo Lévinas, “khao khát khó lòng được lấp đầy, nên cứ đào sâu hố thẳm khao khát đó mãi.”[xxii] Ông phân tích rõ ràng rằng: “tự bản chất khao khát siêu hình khác hẳn với nhu cầu.”[xxiii] Ham muốn tính dục và thỏa mãn bằng việc quan hệ tình dục, đó là nhu cầu thể lý. Nhưng sâu xa hơn đó là khao khát thẳm sâu để lấp đầy trống vắng, cô đơn, chán chường của một cuộc sống không có niềm vui, hạnh phúc, viễn mãn, tròn đầy. Khao khát siêu hình theo Lévinas là “hướng đến một cái gì đó hoàn toàn khác biệt cách tuyệt đối.”[xxiv]

Khác biệt tuyệt đối ở đây không phải như một căn phòng, nơi đó ta sở hữu và sử dụng mọi đồ vật để thỏa mãn nhu cầu? Không hẳn vậy, nó dường như có vẻ giống với một hành trình trên một con đường. Trên con đường đó, người ta không ngừng trải nghiệm những điều thú vị, mới lạ… Như  vậy, với tình một đêm, các bạn trẻ cũng có thể tận hưởng điều mới lạ được chăng? trong tình một đêm, người trẻ thực sự chỉ hướng đến việc hưởng thụ cho riêng bản thân mình, như chủ nghĩa vị kỷ, duy lợi nhắm đến. Có khi nào người trẻ trong cuộc giao hoan của tình một đêm, họ nhìn cách chăm chú, kỹ càng và sâu xa trong khuôn mặt của người bạn tình, nơi đó có ánh mắt của sự khát mong một điều gì đó, có thể là nơi họ một tình trạng bấp bênh tột độ, hay những mong cầu, chờ đợi gì đó nơi ta? Nhìn sâu và rộng ta sẽ thấy sự trần trụi và túng thiếu của tha nhân, càng nhìn kỹ và rõ, ta thấy trách nhiệm của mình nơi họ. Tôi mang dáng dấp, ưu tư và khắc khoải nơi họ và họ cũng cưu mang những thao thức, băn khoăn, tình cảm nơi tôi.

Tạm kết

Những vấn đề được đặt ra ở đầu bài viết đã được giải quyết và làm sáng tỏ hơn ngang qua các phân tích, diễn giải từ các đề mục trên. Cụ thể, từ tâm lý học chiều sâu của Freud, ta thấy được những góc khuất từ động cơ (super ego) của người trẻ tìm đến tình một đêm. Đồng thời, dựa theo phân tích mang tính xã hội học ‘tha hoá tương quan từ tha hoá lao động’ theo quan điểm của Karl Marx, quan điểm về ‘đạo đức học và hành vi luân lý’ theo Immanuel Kant, cùng những phân tích về ‘tự do và ý thức phản tư trách nhiệm’ của Jean Paul Sartre đã làm rõ được trách nhiệm và định hướng của lối sống tình một đêm. Kế đến, từ những gợi hứng từ nhân học siêu hình của Immanuel Lévinas, ta thấy được ‘khuôn mặt thật’ của người trong tình một đêm, một khuôn mặt của ‘hiện hữu chưa tròn đầy’. Tóm lại, ngang qua những phân tích trên, ta thấy chủ thể tính, tha thể tính và xã hội tính được ‘hoạ ảnh’ rõ nét trong bức tranh tình một đêm. Nhờ đó, ta nhận ra ‘hữu thể sa đoạ’ trong tình một đêm đáng thương và đáng trách đến mức nào.


Minh Đức S.J.

Bibliography

Joachim Gentz, Understanding Chinese Religions, Dunedin Academic Press, 2013.

Plato, Republic, trans. G.M.A. Grube & C.D.C. Reeve, Indianapolis, Hackett, 1992.

James Strachey, The Standard Edition of the Complete Psychological Works of Sigmund Freud (SE), London, Hogarth Press, 1953-1956.

Leslie Stevénon, David L. Habermen, Peter Matthews Wright, Mười hai học thuyết về bản tính con người. Trans. Lưu Hồng Khanh. NXB Khoa Học Xã Hội, 2016.

Khởi thảo Kinh tế học và Triết học, Ökonomisch-Philosophische Manuskripte aus dem Jahre 1844.

Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity: An Essay On Exteriority. Op.cit.

Jean Paul Sartre, Esquisse d’une théorie des Émotions, 1940.

Jean Paul Sartre, Vérité et existence, 1985.

Jean Paul Sartre, Existentialisme est un Humanisme.

Emmanuel Lé vinas, Otherwise Than Being, Or Beyond Essence, op.cit.

Benjamin Bouwman, Lé vinas’ Platonic Inspiration, McMaster University, 2013.



[i] Plato, Republic, trans. G.M.A. Grube & C.D.C. Reeve, Indianapolis, Hackett, 1992, 435- 441

[ii] James Strachey, The Standard Edition of the Complete Psychological Works of Sigmund Freud (SE), London, Hogarth Press, 1953-1956, 75-76

[iii] Ibid, 78

[iv] Leslie Stevénon, David L. Habermen, Peter Matthews Wright, Mười hai học thuyết về bản tính con người. Trans. Lưu Hồng Khanh. NXB Khoa Học Xã Hội, 2016, 415

[v] Khởi thảo Kinh tế học và Triết học, Ökonomisch-Philosophische Manuskripte aus dem Jahre 1844, MEW 40, 544

[vi] Leslie Stevénon, David L. Habermen, Peter Matthews Wright, Mười hai học thuyết về bản tính con người. Trans. Lưu Hồng Khanh. NXB Khoa Học Xã Hội, 2016, 368

[vii] Ibid, 334

[viii] Immanuel Kant, Grounding for the Metaphysics of Morals, James W.Ellington trans (USA: Hackett Publishing Company, Inc, 1985), 30, 44

[ix] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity: An Essay On Exteriority. Op.cit, 29

[x] Leslie Stevénon, David L. Habermen, Peter Matthews Wright, Mười hai học thuyết về bản tính con người. Trans. Lưu Hồng Khanh. NXB Khoa Học Xã Hội, 2016, 33

[xi] Jean Paul Sartre, Esquisse d’une théorie des Émotions, 1940, 464

[xii] Ibid, 1940, 40, 556

[xiii] Ibid, 90

[xiv] Ibid, 615

[xv] Jean Paul Sartre, Existentialisme est un Humanisme, 1946, 394

[xvi] Ibid, 363, 394, 429

[xvii] Ibid, 155, 159

[xviii] Jean Paul Sartre, Vérité et existence, 1985, 508

[xix] Jean Paul Sartre, Existentialisme est un Humanisme, 29

[xx] Emmanuel Lé vinas, Otherwise Than Being, Or Beyond Essence, op.cit, 114

[xxi] Benjamin Bouwman, Lé vinas’ Platonic Inspiration, McMaster University, 2013, 13

[xxii] Emmanuel Lévinas, Totality and Infinity: An Essay On Exteriority. Op.cit, 34

[xxiii] Ibid, 117

[xxiv] Ibid, 135